Bán vé tàu Tết Bính Thân 2016: Còn kẽ hở cho đầu cơ?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:07, 25/09/2015

(HNM) - Việc ngành Đường sắt TP Hồ Chí Minh triển khai bán vé tàu điện tử nhằm đem lại nhiều thuận lợi cho hành khách. Thế nhưng, vẫn còn kẽ hở trong quá trình bán vé, từ đó đội


Không cần đến ga mua vé

Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn (Công ty TNHH MTV Vận tải Sài Gòn), để phục vụ hành khách mua vé tàu Tết Bính Thân 2016 một cách thuận lợi, ngành Đường sắt triển khai bán vé điện tử giai đoạn 2. Theo đó, vé in từ trước tới nay không cần sử dụng nữa, thay vào đó sẽ dùng vé điện tử. Từ đây, hành khách không phải đến ga để mua vé, mà có thể ở bất cứ đâu truy cập vào hệ thống trang mạng của ngành Đường sắt để mua vé.

Hành khách đi tàu tết năm nay sẽ có thẻ lên tàu thay vì vé thông thường.



Hiện có 2 hình thức mua vé là truy cập mạng và đến các điểm bán vé của đường sắt Việt Nam. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, ngành Đường sắt thành phố triển khai tổng đài bán vé và chăm sóc khách hàng. Khách hàng gọi đến mua vé thì ngành Đường sắt TP Hồ Chí Minh sẽ giao vé tận nơi và miễn phí trong vòng 7km tính từ ga Sài Gòn.

Cũng theo Công ty TNHH MTV Vận tải Sài Gòn, đối với hành khách có tài khoản ngân hàng thì hoàn toàn không cần đến các điểm bán vé. Bởi hành khách có thể đặt chỗ và thanh toán qua tài khoản ngân hàng và sau đó in thẻ lên tàu thay cho vé giấy trước đây. Còn đối với hành khách không có tài khoản ngân hàng thì truy cập vào trang mạng trên để giữ chỗ trong 24 giờ theo quy định. Trong thời gian này, hành khách có thể đến các điểm bán vé của ngành Đường sắt Việt Nam để thanh toán, hoặc đến các điểm giao dịch của đường sắt Việt Nam như Bưu chính viễn thông VNPT, Chi nhánh Ngân hàng VIB, hoặc các điểm bán vé của nhà ga… và nhận thẻ lên tàu. Thẻ lên tàu photocopy nhiều bản, có mã vạch, mã vé, mã đặt chỗ, ghi rõ thông tin họ tên, số giấy tùy thân (CMND, hộ chiếu) của người đi tàu (tương tự như vé máy bay điện tử). Nếu mất, hành khách có thể in lại (chỉ cần nhớ mã vé).

Trường hợp hành khách muốn đến trực tiếp các điểm bán vé để mua thì ngoài ga Sài Gòn, có thể đến 5 điểm tại TP Hồ Chí Minh gồm: Phòng vé Bến Thành (75 Huỳnh Thúc Kháng, Quận 1); Phòng vé Bình Triệu (Số 5 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức); Phòng vé Duy Long (43/64 Cộng Hòa, quận Tân Bình); Phòng vé Bắc Nam (A26 Đường D1, quận Thủ Đức) và Phòng vé Tân Bình (162/7 Trường Chinh, quận Tân Bình).

Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, ngành Đường sắt dành khoảng 20% tổng số vé tàu để giải quyết cho khách đi tập thể. Thời gian bán vé cho khách tập thể từ ngày 25 đến 30-9. Tiếp đó, từ 8h ngày 1-10, ngành Đường sắt chính thức bán vé Tết cho cá nhân, mỗi khách được đặt chỗ trên website mỗi lần không quá 4 vé cho một chiều.

Bồi dưỡng "cò" là bình thường!

"Cò vé tồn tại do vé cũ vẫn còn... (?!) Xét cho cùng thì làm gì cũng có khe hở để người ta lợi dụng. Đơn cử, người dân muốn mua vé nhưng không có thời gian nên nhờ "cò" mua. "Cò" cũng phải lên mạng và dùng số chứng minh nhân dân của hành khách đó để mua. Khi xong việc thì bồi dưỡng cho người ta là điều bình thường. Điều lo ngại là "cò" lên mạng đặt chỗ với các thông tin sai lệch như tên tuổi, chứng minh nhân dân… để lấy vé bán cho hành khách. Điều đó vẫn có khả năng xảy ra…" - Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn nói.

Theo ghi nhận, tại khu vực xung quanh cổng Ga Sài Gòn, các đội "cò" vé thường xuyên hoạt động 24/24h, thậm chí một số đối tượng ngang nhiên vào khu vực bên trong ga chèo kéo hành khách mua vé. Khi chúng tôi vừa xuất hiện tại cửa ga, lập tức đội "cò" bủa vây mời gọi mua vé. Mỗi vé tàu tết mà "cò" bán trực tiếp cho hành khách lấy chênh lệch từ 150 đến 250 nghìn đồng/vé so với giá gốc.

Trao đổi Báo Hànộimới, lãnh đạo đường sắt TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành Đường sắt đã minh bạch hóa tất cả các vé trên hệ thống điện tử. Tuy nhiên, ngoài đội "cò" thì lo ngại hiện nay là có hàng trăm đại lý bán vé tàu Tết (dạng tự do) có thể vẫn vào mạng đặt vé để bán cho hành khách. Bởi, theo quy định, một tài khoản có thể đăng ký mua 4 vé nên các đại lý này canh liên tục trên mạng để đặt được càng nhiều vé càng tốt. Nguy hiểm hơn, nhiều đại lý còn liều lĩnh khi đặt vé trên mạng bằng cách khai tên và số CMND không đúng trên tài khoản để bán cho hành khách có nhu cầu, dẫn tới tình trạng khách mặc dù có vé nhưng không trùng CMND hay tên tuổi. Và chiếu theo quy định thì những vé này không hợp lệ và không thể lên tàu.

Ông Đinh Văn Sang, Phó Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết thêm, để hạn chế tối đa vé giả, mỗi vé đều có một mã riêng để thiết bị kiểm soát "quét", nên nếu hành khách mua vé từ "cò" mà không đúng thông tin hành khách đã cung cấp khi đặt chỗ, mua vé qua mạng, vé đó sẽ không hợp lệ. Cần lưu ý, việc quy định chặt chẽ hành khách cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác khi mua vé và xuất trình giấy tờ tùy thân khi soát vé, không chỉ là cơ sở chứng minh hành khách là chủ sở hữu vé tàu, mà còn ngăn chặn, giảm thiểu được nạn đầu cơ vé, "cò" vé.

Gia Bảo