Sở Tư pháp ủng hộ quy định cùm chân đối tượng manh động bị tạm giam
Chính trị - Ngày đăng : 17:21, 24/09/2015
Nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam thời gian qua, dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định người bị tạm giữ, tạm giam bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc. Tuy nhiên, họ vẫn phải được bảo đảm, như quyền sống, quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, tiếp cận thông tin, gặp người thân...
Ủng hộ quy định này nhưng theo Phó Giám thị trị tạm giam số 1 Vũ Xuân Hồng, trong 1 vụ án thì việc Ban soạn thảo đề xuất những người liên quan không được giam, giữ chung 1 buồng và trẻ vị thành niên phải giam, giữ riêng là không khả thi. “Với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay, có vụ án đông người tham gia thì lấy đâu chỗ giam riêng. Với các cháu vị thành niên, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng rất manh động, nếu giam riêng không ai canh, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khó lường” - ông Hồng nói.
Ở góc nhìn khác, đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội nhận định, vấn đề tạm giam, tạm giữ là biện pháp ngăn chặn đã được quy định trong cả Bộ luật hình sự, Luật Tố tụng hình sự. Song việc áp dụng đôi khi bị lạm dụng theo chủ quan của Cơ quan điều tra theo kiểu “giam vào cho dễ điều tra”, nên tình trạng vượt quá thời hạn tạm giam, tạm giữ hoặc bị tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc chết người là không hiếm. Thế nhưng trách nhiệm phối hợp, hình thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành tạm giữ, tạm giam quy định như dự thảo không cụ thể, chỉ mang tính nguyên tắc chung. "Việc này dễ dẫn đến tình trạng tránh né, đùn đẩy trách nhiệm" - bà Đỗ Phương Hà, Phó phòng Văn bản pháp quy khuyến cáo.
Cũng theo phát hiện của bà Hà, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trại tạm giam quy định còn chung chung không rõ trách nhiệm của các chủ thể. Do đó, trách nhiệm của người có thẩm quyền trong trại tạm giam nếu để xảy ra các vi phạm sẽ xử lý, giải quyết như thế nào cần cụ thể hóa ngay trong luật vừa nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của những người có thẩm quyền trong Trại tạm giam, đồng thời hạn chế được những hành vi vi phạm nhân quyền, tra tấn, đối xử vô nhân đạo, làm chết người trong các trại giam hiện nay.
Với đề xuất cùm một chân đối với những đối tượng có hành vi chống phá quyết liệt, tự sát, đây là biện pháp mạnh, vi phạm quyền con người nhưng trong thực tiễn giải quyết công việc thì đây là biện pháp tối ưu được lựa chọn để giữ trật tự và răn đe người vi phạm. Nên quy định cụ thể các tiêu chí như thời gian cùm chân là bao lâu, nếu có biểu hiện tốt hay xấu thì thời gian cùm như thế nào, không nên giao toàn quyền quyết định cho thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định sẽ dẫn đến việc quyết định theo cảm tính hoặc có thể có tiêu cực.