Việt Nam hoàn thành xuất sắc các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ
Đối ngoại - Ngày đăng : 13:55, 24/09/2015
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị và cùng với lãnh đạo các nước thông qua Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015.
Tháng 9 năm 2000 đánh dấu thời khắc lịch sử tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ khi 189 quốc gia thành viên của LHQ ký Tuyên bố Thiên niên kỷ thể hiện cam kết về một sự hợp tác toàn cầu mới về xóa nghèo đói, phát triển và bảo vệ môi trường. Một năm sau, Lộ trình của Liên hợp quốc đề ra kế hoạch thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ đã chính thức xác lập 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), đặt ra các mục tiêu với hạn thực hiện là đến năm 2015. 8 MDGS tạo thành một khung quốc tế giúp đo lường và giám sát tiến trình phát triển của các quốc gia thành viên cho đến năm 2015.
Những mục tiêu như giảm một nửa tỷ lệ nghèo cùng cực, ngăn chặn tình trạng lây lan HIV/AIDS và cung cấp giáo dục tiểu học phổ cập vào 2015 đã thúc đẩy những nỗ lực mạnh mẽ trong việc đáp ứng nhu cầu của những nhóm nghèo nhất thế giới và thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững. Theo báo cáo của UNDP, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn 5/8 MDGs và đang tiếp tục phấn đấu cơ bản hoàn thành hết các mục tiêu phát vào năm 2015.
Phát biểu tại họp báo, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Pratibha Mehta đánh giá cao việc Việt Nam hoàn thành xuất sắc MDGs. Trong số MDGs thì mục tiêu giảm nghèo được Việt Nam đặc biệt chú ý phân bổ lồng ghép các nguồn lực. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 58,1% năm 1993 xuống 19,5% năm 2004 giúp hàng chục triệu người thoát nghèo. Kinh nghiệm được Việt Nam rút ra là phải lồng ghép các mục tiêu cụ thể vào hệ thống kế hoạch, chương trình, chính sách kinh tế -xã hội quốc gia, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước; xây dựng mô hình tăng trưởng toàn diện, kết hợp phát triển kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường, vì người nghèo. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ nghèo đã giảm xuống từ 14,2% năm 2010 xuống còn 9,8% năm 2013 và 5, 8% cuối năm 2014. Bà Pretibha Mehta nhận định: “Có rất ít quốc gia đạt được kết quả như Việt Nam và đây là kết quả của một quá trình phấn đấu liên tục, có hiệu quả với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước”.
Đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong thực hiện MDGs, ông Richard Marshall, Cố vấn chính sách của UNDP tại Việt Nam đã chỉ ra những hạn chế Việt Nam chưa hoàn thành tốt cần tiếp tục được cải thiện. Ví dụ như mục tiêu thứ 2 có 90% trẻ em ở các vùng đang phát triển đã đến trường, nhưng 58 triệu em chưa đến trường; mục tiêu thứ 4 có tỷ lệ tử vong trẻ em giảm được 1/2 nhưng không giảm được 2/3; mục tiêu thứ 5 không thực hiện được, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giảm tử vong ở các bà mẹ; mục tiêu thứ 6 là việc sử dụng thuốc kháng virus cứu được nhiều mạng sống nhưng phải được duy trì và mở rộng; mục tiêu thứ 7 là sự xuất hiện nhiều xu hướng mới đe dọa tính bền vững về môi trường.
Nhận lời mời của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và các sự kiện cấp cao liên quan tại New York (Mỹ). Dự kiến, trong chuyến làm việc tại trụ sở của LHQ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ trình bày Báo cáo kết quả 15 năm thực hiện MDGs ở Việt Nam. Tại Hội nghị lần này, 193 thành viên LHQ sẽ bỏ phiếu về 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mới phải đạt được vào năm 2030. Những mục tiêu này thay thế cho 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ hồi năm 2000.
Tám MDGs của LHQ tại Việt Nam gồm: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; Đạt phổ cập giáo dục tiểu học; Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ; Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; Nâng cao sức khỏe bà mẹ; Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; Đảm bảo bền vững về môi trường; Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển.