Vì sao chưa đồng thuận?

Giáo dục - Ngày đăng : 06:30, 24/09/2015

(HNM) - Những vấn đề liên quan đến việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HS, SV) ngay trong những ngày đầu năm học mới 2015-2016 dường như khiến nhiều bậc phụ huynh "quên" hẳn những khoản đóng góp khác được cho là "nóng" của mọi năm dù đây là khoản đóng góp phục vụ quyền lợi của chính con em họ. Khoản thu được quy định trong luật và nhiều văn bản pháp quy, vậy tại sao chưa nhận được sự đồng thuận cao? Khoản trích từ BHYT HS, SV dùng để làm gì?


Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, mức đóng bảo hiểm HS, SV là 4,5% mức lương cơ sở, cao hơn 1,5 lần so với năm trước. Do thời điểm tăng có sự chênh lệch giữa năm tài chính và năm học nên HS, SV phải đóng 15 tháng (gồm 3 tháng cuối năm 2015 và 12 tháng năm 2016) với tổng số tiền hơn 534 nghìn đồng. Mức đóng BHYT tăng quyền lợi của HS, SV có tăng hay không, chất lượng của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường học có được cải thiện hay không là mối quan tâm của nhiều phụ huynh và dư luận xã hội.

Khám sức khỏe cho học sinh.Ảnh: Bảo Lâm



Tại một cuộc họp phụ huynh đầu năm học của trường THCS, sau những giải thích liên quan đến việc tăng BHYT, cô giáo dường như "bí" trước câu hỏi: Khoản kinh phí trích từ BHYT HS, SV tại các nhà trường chính xác là bao nhiêu, được quản lý, sử dụng vào những đầu việc nào? Rõ ràng sự công khai minh bạch về tài chính luôn là "chìa khóa" giải tỏa những băn khoăn thực sự không đáng có của phụ huynh, cũng sẽ giảm tải áp lực cho các thầy, cô giáo ở trường, bởi thực chất, họ chỉ làm nhiệm vụ thu hộ.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Theo Thông tư 41/2014/TTLT- BYT-BTC, công văn hướng dẫn ngày 6-8-2015 của BHXH Việt Nam, mức kinh phí trích lại cho nhà trường là 7% tổng thu quỹ BHYT (tính trên tổng số HS, SV đang theo học) để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Để sử dụng hiệu quả, đúng mục đích khoản kinh phí này, các nhà trường phải đáp ứng các điều kiện như: Có cán bộ chuyên trách y tế, có phòng y tế với đầy đủ dụng cụ sơ cứu ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường. Mới đây, trong công văn ngày 11-9-2015, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường nghiêm túc quản lý, sử dụng khoản kinh phí này đúng mục đích đồng thời nhắc lại 4 nhóm công việc chính mà các trường phải triển khai đúng, đủ, bao gồm mua thuốc, vật tư y tế; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường; tài liệu phục vụ quản lý hồ sơ sức khỏe; các hoạt động phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục về y tế học đường. Qua đánh giá, hằng năm 100% HS các trường học của Hà Nội đều được khám sức khỏe khi vào trường; công tác y tế trường học được triển khai hiệu quả, kịp thời phát hiện các bệnh thường gặp như bệnh mắt, cột sống…

Vậy phần kinh phí này cụ thể là bao nhiêu. Dẫn chứng: Một trường học có 1.000 HS, mỗi năm một HS nộp 434 nghìn đồng. Khoản kinh phí trích lại nhà trường là 7% tổng thu, tương ứng với 30 triệu đồng/năm học, chia ra 12 tháng, mỗi tháng nhà trường có 2,5 triệu để chi cho các đầu việc liên quan đến công tác y tế học đường. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hiệp Thống, mức kinh phí này không phải là nhiều khi những đòi hỏi về nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường ngày càng cao.

Vì sao phụ huynh thờ ơ?

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hiệp Thống, BHYT là một trong 2 chính sách trụ cột của an sinh xã hội; do Nhà nước tổ chức thực hiện, không vì mục đích lợi nhuận, các thành viên trong xã hội đóng góp một phần thu nhập để tạo ra quỹ chung với mục đích chăm sóc sức khỏe cho chính mình và các thành viên khác, vì vậy, đóng BHYT là trách nhiệm công dân. Những người kinh tế càng khó khăn càng cần tham gia BHYT vì khi đau ốm sẽ giảm bớt gánh nặng kinh phí khám, chữa bệnh. Mức đóng của HS, SV hiện nay không cao hơn mức đóng của đối tượng khác có mức lương tối thiểu, nhưng quyền lợi các em được hưởng lại nhiều hơn, cụ thể là được chăm sóc sức khỏe ban đầu thường xuyên tại trường, được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. HS thuộc diện chính sách, tàn tật, HS thuộc hộ nghèo được cấp thẻ miễn phí. Đặc biệt, với HS thuộc hộ cận nghèo, Nhà nước quy định hỗ trợ 70% nhưng Hà Nội hỗ trợ 100% (theo Quyết định số 6827/QĐ-UBND ngày 12-11-2013), HS là con em lực lượng vũ trang được cơ quan của bố, mẹ mua BHYT.

Dù vậy, theo khảo sát của phóng viên, tỷ lệ tham gia BHYT ở nhiều trường đạt 100%, song tỷ lệ HS sử dụng thẻ BHYT chỉ khoảng trên dưới 10% mỗi năm. Anh Lê Anh Tuấn, phụ huynh một HS lớp 12 Trường THPT Thạch Bàn (Long Biên) cho biết, năm nào anh cũng đóng BHYT cho con, nhưng chưa khi nào dùng đến thẻ BHYT, không phải vì con may mắn không ốm đau suốt chừng ấy năm, mà vì chưa yên tâm và khó kiên nhẫn với các thủ tục của dịch vụ khám chữa bệnh BHYT.

Thủ tục rườm rà, chất lượng khám, chữa bệnh theo BHYT chưa đáp ứng với nhu cầu là những lý do cơ bản khiến phụ huynh phản ứng khi mức BHYT tăng cao. Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hiệp Thống, với kinh phí và chức năng của nhà trường, không thể đòi hỏi phòng y tế học đường như một phòng khám đa khoa, mà chỉ chăm sóc sức khỏe ban đầu sơ cứu khi xảy ra sự cố. Hiệu trưởng một trường THPT cho biết, một số phụ huynh còn phản ứng khá gay gắt với giáo viên chủ nhiệm, chất vấn nhiều nội dung liên quan đến BHYT khiến cho mối quan hệ giữa nhà trường - phụ huynh bị ảnh hưởng. Để tránh những bức xúc không đáng có cho các thầy cô giáo, ngành BH nên bố trí lực lượng trực tiếp thực hiện việc thu, nộp tại trường, giáo viên chỉ là người phối hợp.

Rõ ràng, BHYT HS, SV là bắt buộc, nhưng nếu công tác khám, chữa bệnh được cải thiện, nâng cao được chất lượng, bớt đi các thủ tục khi sử dụng thẻ BHYT thì khi không phải là bắt buộc và dù mức đóng có cao, phụ huynh và dư luận xã hội cũng sẽ tự nguyện tham gia.

Về khoản kinh phí 4% trích lại cho nhà trường, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hiệp Thống cho rằng không nên gọi là "hoa hồng đại lý", vì phần kinh phí này rất nhỏ. Phần kinh phí này thực ra là bắt buộc phải có để chi cho công tác quản lý phát hành thẻ, bao gồm rất nhiều đầu việc từ khi phổ biến, quản lý, giao - nhận thẻ, đối chiếu thông tin, giải quyết quyền lợi cho HS nếu có vướng mắc trong suốt năm học, quyết toán… Đơn cử, một trường có 1.000 HS (25 lớp), 4% của tổng số tiền HS đóng BHYT là hơn 17 triệu đồng/năm. Mỗi trường có khoảng 35 người tham gia thu - nộp (25 giáo viên chủ nhiệm, kế toán, thủ quỹ, nhân viên y tế, văn thư, ban giám hiệu, chưa kể có nơi có cả ban đại diện cha mẹ HS). Tính trung bình, mỗi người có 41 nghìn đồng/tháng, trừ đi một số khoản hành chính như điện thoại liên lạc, đôn đốc, xác minh, phí hành chính điện nước, giấy mực… còn lại khoảng 22 nghìn đồng/người/tháng.

Thống Nhất