Thế giới bí ẩn của một geisha thời hiện đại
Xã hội - Ngày đăng : 17:13, 23/09/2015
Một geiko tập sự (còn được gọi là maiko) |
Một ngày mới của Koharu tại thành phố Kyoto bắt đầu bằng những bài học về nghệ thuật cắm hoa, nghi lễ trà đạo, các điệu nhảy, trò chơi, nhạc cụ truyền thống, thư pháp và hội họa. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất mà cô được dạy là nghệ thuật giao tiếp.
Sau những tiết học như vậy, cô được kỳ vọng sẽ có thể tiếp đãi khách tại các bữa tiệc riêng vào các buổi tối trong tuần. Bộ kimono (trang phục truyền thống của Nhật Bản) của cô nặng tới 18kg và phải cần đến sự trợ giúp của những người khác khi mặc. Chỉ riêng những vật dụng trang trí tóc cũng đã tiêu tốn khoảng 1.500 đôla.
Một maiko rót rượu phục vụ khách |
Từ sau thế chiến thứ II, từ “geiko” thường được sử dụng thay thế cho cách gọi cũ “geisha”. Cách gọi này không còn phù hợp với thế giới hiện đại nữa. Người Nhật cho rằng “geisha” là từ ngữ mang hàm ý xúc phạm trong một số trường hợp, ám chỉ các hoạt động không lành mạnh như mại dâm và lạm dụng trẻ em.
Ngày nay, geiko được coi là một nét văn hóa truyền thống độc đáo của Nhật Bản. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, geiko đến nay vẫn được duy trì và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở Kyoto, thành phố 1,4 triệu dân từng là cố đô của Nhật Bản.
Số tiền mà Koharu kiếm được trong vòng 5 năm đầu sẽ được chuyển cho “mẹ nuôi”. Cô nghĩ đó là một việc hoàn toàn có thể chấp nhận được bởi trong suốt quá trình đào tạo, “mẹ nuôi” đã đầu tư cho cô khoảng 500.000 đôla.
Koharu được gọi là maiko (geiko tập sự) trước khi cô kết thúc chương trình đào tạo để trở thành geiko. Luật pháp Nhật Bản quy định chỉ các cô gái đã hoàn thành chương trình trung học cơ sở mới có thể tham gia đào tạo maiko.
Koharu chia sẻ: “Ban đầu bố mẹ tôi tỏ ra không hài lòng, nhưng giờ họ đã thay đổi suy nghĩ”.
Không ai biết chính xác hiện tại có bao nhiêu geiko tại Nhật Bản. Chỉ chắc chắn một điều là con số này ít hơn rất nhiều so với cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi hình thức văn hóa này phát triển đến đỉnh cao. Ở Kyoto hiện có khoảng 67 maiko và 177 geiko.
Số lượng geiko và maiko đang có xu hướng tăng lên, do một vài người trong số họ đã trở nên nổi tiếng thông qua các chương trình truyền hình và quảng cáo. Giới trẻ Nhật Bản có cơ hội được chiêm ngưỡng họ trong các chuyến đi dã ngoại đến Kyoto và tìm thấy niềm đam mê tìm hiểu hình thức văn hóa truyền thống này. Thêm vào đó, sau khi đã trả hết nợ cho “mẹ nuôi”, những cô gái này sẽ có thu nhập khá cao. Họ được tôn trọng bởi công sức và nỗ lực mà họ đã bỏ ra.
Các tua tham quan quận Gion – cái nôi của văn hóa geiko – thu hút khoảng 400 lượt khách mỗi tháng. Họ sẽ được tận mắt nhìn thấy những nữ nghệ nhân với vẻ ngoài được trau chuốt tỉ mỉ, đi lại bằng những đôi guốc gỗ phát ra tiếng kêu lạch cạch.
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho khách tham quan về nơi ở và biểu diễn của geiko. Đó là một quán trà truyền thống, đồng thời cũng là rạp hát nơi họ trình diễn các loại hình nghệ thuật.
Hình ảnh một maiko biểu diễn múa nghệ thuật |
Chi phí cho việc xem maiko hoặc geiko biểu diễn trong các quán trà thường rất cao – khoảng 2000 đôla một người – và khách thường phải nhận được lời mời. Nó cũng giống như việc nhận lời mời chơi gôn trong câu lạc bộ VIP.
Tại sao các thiếu nữ lại lựa chọn sống theo cách “cổ xưa” như vậy? “Tôi yêu thích kimono”, Koharu trả lời không chút ngập ngừng. Cô có niềm đam mê với văn hóa và nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản.
Koharu chỉ được nghỉ ngơi vào thứ Hai hàng tuần. “Đây là một công việc khó khăn, nhưng tôi vẫn cảm thấy ổn. Những tiết mục biểu diễn nghệ thuật của tôi thường được người phương Tây đánh giá cao hơn”.
Khi những thương nhân bàn bên nhận thấy có sự xuất hiện của một maiko, họ lập tức trở nên yên lặng và rời đi không lâu sau đó. Ở Nhật Bản, việc nói chuyện với một geiko hoặc maiko đang bận tiếp khách là hành động bất lịch sự. Chụp ảnh cùng họ cũng là điều không nên làm.
Loại hình nghệ thuật truyền thống này bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước, khi những du khách đến Kyoto để ghé thăm các ngôi đền tại đây. Họ thường nghỉ chân ở các quán trà và uống rượu sake. Những chủ quán đã nghĩ đến việc thuê những cô gái trẻ để “mua vui” cho khách. Thậm chí nhiều bé gái đã bị cha mẹ bán cho các quán trà để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Những cô gái muốn thử sức với vai trò một geiko có thể liên hệ với Hiệp hội geiko của Nhật Bản. Sau quá trình phỏng vấn và sơ loại về ngoại hình, đạo đức và thái độ, quá trình đào tạo sẽ thực sự bắt đầu.
Khi được hỏi về việc lập gia đình và sinh con, Koharu đáp: “Tôi sẽ rất buồn nếu phải từ bỏ cuộc sống hiện tại”.