Cơ quan chuyên trách về du lịch: Rất cần, nhưng chưa đủ!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:47, 23/09/2015
Hà Nội là địa danh dẫn đầu cả nước về tiềm năng du lịch. Về vật thể, Hà Nội có gần 5.000 điểm du lịch từ danh thắng thiên nhiên; di tích lịch sử văn hóa đến làng nghề. Hà Nội có di sản thế giới được UNESCO vinh danh, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp thành phố. Chỉ riêng khu trung tâm cũ đã có Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, chùa Một Cột, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên; khu phố cổ, khu phố cũ và hàng trăm di tích có giá trị.
Ngoại thành có chùa Tây Phương, Chùa Hương, đình Tây Đằng, đền Tản Viên và rất nhiều nữa. Hà Nội có Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nơi ở và làm việc của Người, của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội cùng nhiều di tích cách mạng, kháng chiến. Về văn hóa phi vật thể, Hà Nội cũng là nơi hội tụ và gìn giữ tinh hoa văn hóa cả nước, cũng như nhiều nét đẹp do chính Hà Nội tạo ra. "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" - câu ca dao xưa đã phần nào nói lên điều đó. Và Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan đầu não, các đầu mối giao thông...
Du lịch là ngành công nghiệp không khói, đã phát triển và còn tiếp tục phát triền. Nhu cầu biết đây biết đó ngày càng lớn hơn khi cái ăn, cái mặc đã ổn. Có những nước nghèo về tài nguyên, dân số ít, nhưng có chiến lược và các giải pháp phát triển ngành "công nghiệp không khói", số khách du lịch nước ngoài cao hơn dân số của họ, nguồn thu từ du lịch của họ trong tổng GDP rất lớn. Trong khu vực, Singapore và Thái Lan là những ví dụ.
Mặc dù về mặt tiềm năng, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng được rất nhiều quốc gia "thèm thuồng" nhưng trên thực tế, du lịch Hà Nội vẫn chưa xứng tầm so với tiềm năng và nhu cầu. Tỷ lệ nguồn thu từ du lịch trong ngân sách không cao. Cơ sở hạ tầng cho du lịch chưa thật sự phát triển. Sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu. Tình trạng "chặt chém", chèo kéo, lừa đảo du khách càng làm xấu môi trường du lịch. Mặc dù có hàng trăm công ty, khách sạn, rất nhiều mặt hàng lưu niệm để mua nhưng du khách không ở lâu và ít khi hào hứng trở lại, khi rời Hà Nội thường không tiêu hết tiền...
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên có nhiều, các cơ quan, tổ chức và người dân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của du lịch và vấn đề cốt lõi là thiếu một cơ quan chuyên trách để quản lý và phát triển ngành này. Chính vì thiếu một cơ quan có chức năng tham mưu, quản lý chuyên ngành, du lịch Hà Nội chưa thể vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, mặc dù tiềm năng cũng như kỳ vọng là rất lớn.
Mong có một cơ quan quản lý chuyên ngành cấp sở của thành phố về du lịch đã trở thành hiện thực. Và khi có cơ quan ấy rồi, nên tránh sự chồng chéo, vô hiệu hóa lẫn nhau, khó cho cả cơ quan quản lý du lịch và các cơ quan khác, như cách một đoạn đường phố, 10 cơ quan cùng có trách nhiệm quản lý nhưng chẳng ai quản lý cả ta vẫn gặp hiện nay. Và quan trọng hơn, mỗi người dân cần nhận thức đúng vai trò của ngành Du lịch để có những hành động phù hợp.