Trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao

Thế giới - Ngày đăng : 06:35, 23/09/2015

(HNM) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 và 2016 sẽ vượt kỳ vọng nhờ các chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý. Điều này không chỉ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô mà còn củng cố niềm tin của giới doanh nghiệp (DN).

Tuy nhiên để bảo đảm tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính, cổ phần hóa DN nhà nước… Đây là nhận định của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong báo cáo cập nhật triển vọng phát triển Châu Á (ADOU) năm 2015 được công bố sáng 22-9 tại Hà Nội.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick (giữa) trong buổi họp báo.



Nâng dự báo tăng trưởng GDP lên 6,5%

Mặc dù nền kinh tế khu vực cũng như toàn cầu phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT), nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế hiếm hoi được ADB nâng mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong bản báo cáo cập nhật. Theo đó, GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 6,5% cho năm 2015 và 6,6% cho năm 2016, cao hơn so với dự báo mà ngân hàng này đưa ra đầu năm (ở mức 6,1% và 6,2%). Trong khi đó lạm phát của Việt Nam trong năm 2015 cũng được điều chỉnh giảm từ mức 2,5% xuống còn 0,9% và năm 2016 vẫn giữ ở mức 4%.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vượt ngoài mong đợi, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của ADB tại Việt Nam cho biết, kết quả này nhờ 3 yếu tố đều tăng gồm: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); niềm tin của người tiêu dùng và tín dụng; các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể sản xuất công nghiệp tiếp tục thu hút các dòng vốn FDI. Trong số 84,8 tỷ USD vốn FDI cam kết mới kể từ năm 2011 đến tháng 8 năm nay, thì 70% là để mở rộng sản xuất, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu. Trong 8 tháng đầu năm nay, giải ngân FDI tăng đến 8,5 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu trung bình hằng tháng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, từ gần 3 tỷ USD vào đầu năm 2010 lên 10 tỷ USD vào tháng 8 năm nay.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick lạc quan nhận định: Nền kinh tế Việt Nam đã bước vào quỹ đạo tăng trưởng cao trở lại; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát ở mức thấp; kiểm soát ngân sách tốt và thâm hụt không quá lớn; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng. Cùng với đó, thâm hụt thương mại không đáng lo ngại vì chủ yếu là nhập khẩu hàng hóa vốn và nhập khẩu là để phục vụ cho xuất khẩu. Nợ công của Việt Nam tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và đang thực hiện khá tốt chiến lược cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nợ trong nước và giảm nợ vay nước ngoài.

Đánh giá về thành công của các chính sách hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam từ đầu năm đến nay, ông Eric Sidgwick cho rằng: "Tình hình kinh tế thế giới khó đoán định. Do đó, điều quan trọng là cần đưa ra những điều chỉnh linh hoạt. Tôi cho rằng việc điều hành những chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam từ đầu năm đến nay là thận trọng và an toàn. Trong đó Ngân hàng Nhà nước đã duy trì tỷ giá khá cạnh tranh và phản ứng kịp thời trước sự kiện Trung Quốc phá giá đồng NDT. Tôi hy vọng chính sách này vẫn được duy trì trong năm sau".

Vẫn nhiều thách thức

Dù đạt được nhiều thành tựu, song báo cáo cập nhật của ADB cũng chỉ ra những thách thức kinh tế vĩ mô mà Việt Nam phải đối mặt. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm ở Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam - có thể dẫn tới triển vọng thương mại ảm đạm hơn, trong khi giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục ở mức thấp sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu đối với những ngành mũi nhọn như dầu lửa và nông nghiệp. Chuyên gia kinh tế Aaron Batten cho rằng, ngoài những yếu tố này, còn phải kể đến thặng dư thương mại thu hẹp. Trên thực tế, nhập khẩu tăng cùng với doanh thu từ dầu thô giảm sẽ làm giảm thặng dư của cán cân vãng lai. Bên cạnh đó, hiện tượng El-nino có thể làm giảm sản lượng nông nghiệp của Việt Nam trong năm 2016.

Liên quan đến cổ phần hóa DN nhà nước, báo cáo cho rằng mục tiêu cổ phần hóa 228 DN trong năm nay dường như hơi tham vọng. Dự kiến nhiều DN sẽ cổ phần hóa muộn hơn, trong năm 2016 hoặc muộn hơn nữa. Một trở ngại đối với công tác này là thiếu nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng tham gia mua cổ phiếu chào bán ra công chúng lần đầu. Nới lỏng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm tháo gỡ bất cập này, song các nhà đầu tư nước ngoài có thể vẫn chưa hào hứng do còn quan ngại về vấn đề quản trị DN và minh bạch tài chính. "Để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, Việt Nam cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam", ông Eric Sidgwick nhận định như vậy.

Về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, ông Aaron Batten cho rằng động thái này sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường tài chính và Việt Nam. Do thị trường chưa phát triển đủ mạnh nên chưa chịu tác động lớn. Tuy nhiên, theo ông Aaron Batten, Việt Nam cần theo dõi dòng vốn đầu tư FDI, bởi cơ sở cho tăng trưởng đến từ khu vực xuất khẩu. Sự kiện Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm nay cũng như các Hiệp định thương mại tự do, một mặt giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhưng mặt khác đòi hỏi Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa trên thị trường khu vực và quốc tế.

Đình Hiệp