Phải bảo đảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước
Kinh tế - Ngày đăng : 05:54, 22/09/2015
Đó là những sự quan ngại được nêu ra trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), diễn ra ngày 21-9. Thế nhưng các giải pháp Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) chưa phải là tối ưu để tháo gỡ hết vướng mắc.
Các quy định trong dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) được đánh giá là chưa tối ưu để tháo gỡ hết vướng mắc trong hoạt động xuất - nhập khẩu. |
Quan tâm hơn nông-lâm-ngư nghiệp-thủy sản
Dù đã có chính sách phát triển hơn chục năm song công nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn đang băn khoăn với bài toán vốn. Với lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi vẫn còn rất manh mún. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, quy định về thuế suất, miễn thuế phải rất cụ thể. Trong bối cảnh hiện này, Bộ Tài chính cần đồng thời lưu ý tác động đối với hai lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn nêu trên để có chỉ đạo cho phù hợp. "Hiện giờ, thịt gà Mỹ, thịt bò Úc cũng như nhiều mặt hàng khác đang cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng của chúng ta rồi. Mười năm tới, nước ta hội nhập sâu hơn, nếu không đánh giá thật kỹ về tác động xã hội, thiếu giải pháp điều chỉnh chi tiết, sẽ còn có những tác động bất lợi" - bà Trương Thị Mai phân tích.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị quan tâm để có giải pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ vượt khó ngay trong dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Nhiều năm hội nhập cho thấy, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm, sức cạnh tranh lại kém. Hàng loạt dự án nước ngoài đầu tư lớn vào ô tô, máy tính, điện tử, viễn thông... nhưng bên trong không có công nghiệp phụ trợ. Trong khi đó, các cơ quan chức năng đã 3 lần dùng nghị định để điều chỉnh nhưng tính khả thi không cao vì vướng các luật khác.
Báo cáo trước UB TVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đang chỉ đạo đánh giá tổng kết lại các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết để có thể nắm sát tình hình. Bộ trưởng Bộ Tài chính tán thành với nhiều ý kiến cho rằng phải quan tâm hơn lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp - thủy sản, từ chính sách về phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đến đóng tàu xuất khẩu, thúc đẩy nội địa hóa phải được đưa vào luật. Ngoài ra, dự thảo luật đã đề cập các quy định về thuế phòng vệ để xây dựng môi trường kinh tế lành mạnh, giải pháp nâng cao hiệu lực công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng đã được bổ sung. Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, về cơ bản các quy định sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật không gây tác động nhiều đến kim ngạch, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Quên tái xuất gần 2 triệu tấn xăng dầu?
Song một trong các vấn đề được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cơ quan thẩm tra Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội quan tâm hơn là việc sửa đổi luật tác động đến ngân sách như thế nào. Trong số các nội dung sửa đổi, có nội dung có thể làm giảm thu, có nội dung có thể làm tăng thu trực tiếp cho ngân sách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Cụ thể, dự kiến tăng thu 1.200 tỷ đồng, bao gồm từ các quy định không miễn thuế hàng hóa tạo tài sản cố định cho dự án ODA, không miễn thuế ô tô là phương tiện vận chuyển đưa đón công nhân trên 24 chỗ ngồi trở lên. Quy định không miễn thuế trang thiết bị nhập khẩu lần đầu đối với các dự án đầu tư khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê, nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ kỹ thuật, sân golf, khu du lịch, khu thể thao, khu vui chơi giải trí, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, dịch vụ tư vấn cũng nằm trong danh mục có thể tăng thu…
Ở mặt khác, con số dự kiến tác động giảm thu trực tiếp khi dự án luật có hiệu lực thi hành cũng không nhỏ, dự kiến 800 tỷ đồng. Các quy định mới tác động đến số giảm này gồm miễn thuế cho hàng hóa theo chế độ tạm nhập hay miễn thuế tạo tài sản cố định đối với dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.
Đặt vấn đề về việc miễn thuế đối với mặt hàng tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trên thực tế rất khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng, lách luật, trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Bộ Tài chính quy định rõ ràng và minh bạch hơn về miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập - tái xuất để trả lời được câu hỏi: Miễn thuế đối với những mặt hàng nào và ai có thẩm quyền quyết định, thay vì quy định rất chung chung như dự thảo luật. Bà Lê Thị Nga lấy ví dụ với mặt hàng xăng dầu, khi nghiên cứu cho thấy việc kiểm soát đường đi của xăng dầu tạm nhập - tái xuất rất khó khăn. Trong 4 năm, có số liệu cho rằng đã cho tạm nhập và "bỏ quên" tái xuất đến gần 2 triệu tấn xăng dầu. Từ quan điểm trên, bà Lê Thị Nga đề nghị kiểm tra lại xem có đúng là việc tạm nhập - tái xuất đối với các mặt hàng lỏng như xăng dầu thời gian qua bị lách luật, tạm nhập và cho bán trong nước có gây thất thu cho ngân sách và ảnh hưởng đến sản xuất trong nước không.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị Ban soạn thảo tính tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước khi sửa luật. "Ba lợi ích này nếu không tính toán đầy đủ sẽ không những không tác động thúc đẩy sản xuất mà còn kìm hãm sự phát triển" - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ.