Thận trọng sử dụng vốn dư của dự án nâng cấp Quốc lộ 1A

Chính trị - Ngày đăng : 19:37, 21/09/2015

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 41, chiều 21/9, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo Báo cáo số 348/BC-CP ngày 17/7/2015 của Chính phủ; cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2016.


Cần cân nhắc, thận trọng trong thực hiện phương án trái phiếu Chính phủ còn dư

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng mức vốn đã được bố trí theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 64.294 tỷ đồng (bao gồm: vốn đã bố trí từ các nguồn khác đến hết năm 2013 là 2.614 tỷ đồng; kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 là 61.680 tỷ đồng), trong đó, các dự án mở rộng quốc lộ 1A là 53.314 tỷ đồng; các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 10.980 tỷ đồng.

Sau khi Bộ Giao thông vận tải rà soát chênh lệch tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 và tổng mức đầu tư được duyệt (sau điều chỉnh), do không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá; điều chỉnh thiết kế cho phù hợp; sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý; tiết kiệm 5% dự toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng kinh phí dự kiến để thực hiện các dự án là 50.035 tỷ đồng, trong đó các dự án mở rộng quốc lộ 1A là 43.404 tỷ đồng; các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 6.631 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ còn dư là 14.259 tỷ đồng (trong đó các dự án mở rộng quốc lộ 1A là 9.910 tỷ đồng; các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 4.349 tỷ đồng).

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 65/2013/QH13 ngày 28/11/2013 để đầu tư các dự án với tổng số kinh phí không quá 14.259 tỷ đồng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)


Bên cạnh đó, Quốc hội giao Chính phủ quyết định sử dụng số vốn dự phòng 845 tỷ đồng và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục còn dư (nếu có) của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để chủ động tiếp tục xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nhằm phát huy cao hiệu quả đầu tư hai tuyến đường này.

Chính phủ thực hiện mức phát hành trái phiếu Chính phủ hàng năm theo tiến độ thực hiện các dự án, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; đồng thời cho phép tiến hành thẩm định, phê duyệt và triển khai ngay các dự án bổ sung sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để đảm bảo tiến độ hoàn thành đưa toàn bộ quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh vào khai thác đồng bộ, hiệu quả.

Về sử dụng vốn dư, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án sử dụng cho hoàn thiện đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và quốc lộ 1A. Các ý kiến đánh giá cao việc Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải trong quá trình thực hiện dự án đã rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát chi phí, chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công dự án nên đã tiết kiệm chi dự phòng dẫn tới dư nguồn vốn so với số tổng vốn đã được bố trí. Đây có thể coi là kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm bởi tỷ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí (dư 22%) phần nào thể hiện việc lập dự toán, thẩm định chưa sát với thực tiễn.

Về thẩm quyền phân bổ số vốn dư, với quan điểm cần có sự cân nhắc, thận trọng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị thêm các tài liệu thể hiện sự cấp bách trong vấn đề này để báo cáo trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII; đồng thời, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cần thẩm tra để bảo đảm tính công khai minh bạch theo đúng thẩm quyền.

Đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước

Theo báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước, toàn ngành sẽ tập trung kiểm toán 175 đầu mối, đơn vị trong đó, đối với lĩnh vực ngân sách Nhà nước, ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2015 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến kiểm toán 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 2 thành phố trực thuộc tỉnh và 16 bộ, cơ quan trung ương.

Về lĩnh vực chuyên đề, dự kiến kiểm toán 13 chuyên đề, trong đó 2 chuyên đề do nhiều đơn vị trong ngành cùng tham gia kiểm toán; 11 chuyên đề tại các bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy mô nhỏ, phạm vi kiểm toán hẹp được tổ chức thành từng cuộc kiểm toán độc lập.

Đối với hoạt động kiểm toán độc lập, dự kiến tổ chức kiểm toán đối với 3 chủ đề được dư luận xã hội quan tâm và kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2015 của huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, ngoài các dự án thuộc khối Quốc phòng, An ninh, cơ quan Đảng, dự kiến kiểm toán 41 đầu mối, dự án…

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá thời gian quan, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng lên; kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động từng bước được mở rộng, chất lượng, hiệu quả kiểm toán được nâng cao, đi đúng trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi về quản lý kinh tế nói chung và quản lý tài chính-ngân sách nói riêng.

Về cơ bản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với kế hoạch kiểm toán năm 2016; đồng thời đề xuất một số định hướng cụ thể để khắc phục những hạn chế của công tác kiểm toán trong nhiều năm qua, giúp Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong nhiệm kỳ mới. Đối với danh mục các cuộc kiểm toán, nhiều ý kiến đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần sắp xếp lại theo tiêu chí rõ ràng, tránh trùng lắp, hướng đến việc tạo ra tinh thần, sinh khí mới cho công tác kiểm toán.

Một số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng năm 2015 là năm cuối của kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2011-2015), do đó, Kiểm toán Nhà nước cần góp phần tạo căn cứ để giúp Quốc hội, Chính phủ đánh giá tổng thể cả giai đoạn để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2016-2020 hiệu quả, hợp lý hơn.

Kiểm toán Nhà nước cần tập trung đánh giá chính sách tài khóa trong năm 2015 và cả giai đoạn 2011-2015, sự phối hợp với chính sách tiền tệ, làm cơ sở ban hành chính sách tài khóa cho năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 hiệu quả hơn; thực hiện kiểm toán những đối tượng sử dụng ngân sách, vốn và tài sản nhà nước đang có vấn đề đặt ra được dư luận quan tâm; tiếp tục chú trọng kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Bên cạnh đó, việc kiểm toán cần chỉ rõ danh tính các bộ, ngành, địa phương và cá nhân không thực hiện kiến nghị của kiểm toán; tập trung vào công tác hậu kiểm để phát hiện ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, sử dụng tiền và tài sản nhà nước, từ đó làm rõ các tổ chức, đơn vị liên tục tái diễn các sai phạm đã được phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm…

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động đi vào chiều sâu; phát huy vai trò là một trong những công cụ của Nhà nước phòng chống, phát hiện tham nhũng hiệu quả… 

Theo Việt Nam plus