Bước ngoặt trong chính sách an ninh
Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 21/09/2015
Quyết định lịch sử này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản: Lần đầu tiên cho phép binh sĩ nước này tham chiến ở nước ngoài kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ II.
Sau cuộc họp thâu đêm, dự luật an ninh mới được thông qua trong phiên họp toàn thể của Thượng viện Nhật Bản khi phe đối lập chấm dứt nỗ lực ngăn chặn giai đoạn bỏ phiếu cuối cùng này. Với mục đích mở rộng vai trò của SDF ở nước ngoài nhằm tăng cường mối quan hệ đồng minh với Mỹ, luật an ninh mới cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng thủ tập thể hoặc hỗ trợ Mỹ và các nước đồng minh nếu bị tấn công vũ trang, ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công.
Theo đó, Nhật Bản có quyền đánh chặn tên lửa bay qua lãnh thổ và nhằm vào Mỹ, thay vì chỉ bắn hạ tên lửa nhằm vào Nhật Bản. Và, nếu tàu chiến Mỹ bị tấn công, quân đội Nhật Bản cũng có quyền hỗ trợ. Thậm chí, Nhật Bản còn có thể đưa công binh làm nhiệm vụ rà phá mìn tại các vùng biển ở Trung Đông. Dự luật mới cũng cho phép Nhật Bản tham gia nhiều hơn vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, từ hỗ trợ hậu cần, bảo vệ các nhân viên dân sự đến các hoạt động phi quân sự như xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, mọi hoạt động chỉ được tiến hành trong những điều kiện nhất định như có thể "gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng" cho Nhật Bản.
Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới. |
Việc cả hai viện trong Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới để thành luật là điều không quá khó trong bối cảnh đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh mới, đối tác trong liên minh cầm quyền chiếm đa số tại Quốc hội. Đây là một trong những thắng lợi vô cùng quan trọng đối với Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe và liên minh cầm quyền giữa lúc uy tín của ông đang bị sụt giảm nghiêm trọng do những thay đổi về Hiến pháp. Sau khi được Thượng viện thông qua, dự luận sẽ có hiệu lực từ ngày 27-9, thời điểm kết thúc kỳ họp Quốc hội kéo dài.
Thế nhưng, dự luật vừa được Quốc hội Nhật Bản thông qua đang gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận xứ Mặt trời mọc cũng như trong khu vực. Những người ủng hộ cho rằng, môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên nguy hiểm hơn với một Triều Tiên liên tiếp có các vụ thử tên lửa và một Trung Quốc đang có những động thái đe dọa chủ quyền của Nhật Bản trên các đảo còn tranh chấp. Vì thế, quân đội Nhật Bản được trao quyền chủ động hơn nhằm bảo đảm an ninh quốc gia là cần thiết. Bởi mục tiêu của dự luật mới là cho phép quân đội Nhật Bản hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ và nâng cao khả năng hợp đồng tác chiến. Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ đã "hoan nghênh các nỗ lực không ngừng nghỉ của Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ đồng minh và đóng vai trò chủ động hơn trong các hoạt động an ninh khu vực và quốc tế".
Sự kiện Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới là thành công lớn của Thủ tướng S.Abe trong quá trình thực hiện kế hoạch nhằm tăng cường sức mạnh quân sự Nhật Bản trong suốt hơn 10 năm qua. Nhưng, dù thừa nhận Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, song nhiều cử tri vẫn không cảm thấy dễ chịu với dự luật an ninh mới. Những người phản đối lo ngại Nhật Bản có thể trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố chống Mỹ cũng như đẩy Nhật Bản dấn sâu vào các cuộc xung đột do Mỹ khởi xướng khiến xứ Phù tang sa lầy vào các cuộc chiến tranh. Vì thế, một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính phủ hiện nay là làm sao để người dân hiểu được dự luật an ninh mới là cần thiết không chỉ với Nhật Bản mà còn với các đồng minh trong bối cảnh an ninh hiện nay.