Philippines với chiến lược xuất khẩu lao động chất lượng cao
Thế giới - Ngày đăng : 06:24, 20/09/2015
Theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng một triệu lao động Philippines ra nước ngoài làm việc mỗi năm, tính ra mỗi ngày có gần 3.000 người rời đất nước đi xuất khẩu lao động, trong đó có cả những gia đình hai thế hệ.
Kể từ những năm 1970, Philippines đã nổi tiếng vì thường xuyên xuất khẩu một lượng lớn người lao động ra nước ngoài, đặc biệt là các nhân công giúp việc và công nhân xây dựng. Họ chấp nhận một cuộc sống với tương lai không ổn định, thu nhập rẻ mạt ở nước ngoài để thoát khỏi cái nghèo trong nước.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây tại Philippines lại xuất hiện một xu hướng xuất khẩu lao động trình độ cao, đảm nhận các công việc được trả lương tốt. Trong đó, các trường dạy nấu ăn là một phần của xu hướng mới và mỗi năm họ cho "ra lò" hàng chục nghìn đầu bếp cho các khu bếp trên khắp thế giới.
Một trong những tấm gương thành công được báo chí nói đến là Cristeta Comerford, bếp phó trong Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton vào năm 1995, sau thời gian làm việc tại nhiều khách sạn 5 sao ở Mỹ. Năm 2005, bà tiếp tục được bổ nhiệm là bếp trưởng tại khu bếp của Tổng thống Mỹ George W. Bush và vẫn giữ trọng trách này dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Theo số liệu của Bộ Lao động Philippines, trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2014 có khoảng 180.000 đầu bếp Philippines làm việc cho các con tàu trên khắp thế giới, trong đó có 72.000 người đã trở thành bếp trưởng, những người còn lại làm phụ bếp, phục vụ bàn. Cũng trong thời gian trên, 65.000 người khác làm đầu bếp cho các khách sạn, nhà hàng trên toàn cầu. Lao động Philippines được đánh giá nói tiếng Anh tốt, tay nghề giỏi, kỷ luật, cởi mở và lễ phép. Từ nhiều chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu, các lao động được đào tạo từ Cơ quan dạy nghề, cấp phép dạy nghề của chính phủ (TESDA) còn được phổ biến về văn hóa, hoặc được dạy những câu bản ngữ căn bản của những nước họ sẽ tới làm việc. Do đó, các lao động Philippines có chứng chỉ của TESDA được đánh giá rất cao.
Sớm coi xuất khẩu lao động là một hướng đi nhằm giải quyết những vấn đề về việc làm nên các chính sách liên quan đến lĩnh vực này của Philippines được chú trọng từ rất sớm, với hai ưu tiên là xuất khẩu lao động phổ thông, tay nghề cao và trí thức thay vì di dân dài hạn. Hai loại tổ chức được phép đứng ra tuyển người lao động là các công ty tư nhân được Bộ Lao động cấp phép và Cơ quan quản lý lao động Philippines (POEA). POEA đồng thời là cơ quan bảo đảm quyền lợi của người lao động ở nước ngoài. Các cơ quan tuyển người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm giải quyết mọi vấn đề liên quan đến người lao động, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Với hệ thống này, Philippines đã hạn chế được các trường hợp đáng tiếc xảy ra như chủ không thanh toán đúng hợp đồng, ngược đãi, buôn bán người hoặc lao động trốn sau khi hết hợp đồng… Ngoại hối thu về sẽ được dùng để đầu tư vào các dự án trong nước.
Lao động ở nước ngoài được coi là "người hùng" và được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ như miễn thuế giá trị gia tăng, con cái được giảm học phí và bảo hiểm y tế, không phải xếp hàng khi xuất nhập cảnh… Từ đó, các dịch vụ chuyển tiền từ nước ngoài nở rộ tại Philippines. Bộ Lao động, POEA và các cơ quan đại diện của Philippines đều có trách nhiệm thực hiện chính sách thúc đẩy công tác xuất khẩu lao động của Chính phủ cũng như bảo đảm quyền lợi của người lao động. Do đó, bất cứ vấn đề gì xảy ra với người lao động, như bạo loạn ở Libya, Iraq hay các trường hợp lao động bị ngược đãi hoặc bị buộc tội tử hình, Chính phủ đều giải quyết nhanh chóng và thấu đáo.
Với một chính sách bài bản, các lao động Philippines giờ không chỉ là những công nhân phổ thông, làm việc tay chân mà đã "thống lĩnh" những ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao, từ những con tàu du lịch hạng sang, những nhà hàng nổi tiếng đến các hoàng cung sang trọng. Quan trọng hơn, lợi ích từ chiến lược này đã tạo ra những người lao động chuyên nghiệp, có ý thức về nghề nghiệp, luôn nỗ lực, cầu tiến và khiến thế giới phải thay đổi cách nhìn về những lao động nước ngoài.