Không để cái sảy nảy cái ung!

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:38, 20/09/2015

(HNM) - TP Hà Nội đang triển khai đồng loạt việc kê khai đăng ký đất đai với người sử dụng đất. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, người dân chưa hiểu rõ,…


Chuyện từ tổ dân phố…

Phường Mộ Lao (quận Hà Đông) những ngày này đang ồn ã xoay quanh việc hơn 400 hộ dân sống dọc bờ Sông Nhuệ trả tiền cho việc đo đạc kỹ thuật thửa đất mà họ đang sinh sống. Chuyện bắt đầu từ việc phường và tổ dân phố (TDP) triển khai thực hiện công tác kê khai đăng ký đất đai theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND quận Hà Đông. Theo hướng dẫn của TDP, hàng trăm hộ dân ở đây đã được Công ty cổ phần Khảo sát và đo đạc Hà Đông (Công ty đo đạc) đo kỹ thuật thửa đất với giá 1,2 triệu đồng/thửa. Ngoài ra, rất nhiều người đã chi thêm tiền bồi dưỡng cho người đi đo. Chỉ đến khi thấy người dân ở các địa phương khác không phải đo vẽ kỹ thuật thửa đất, chỉ kê khai theo mẫu có sẵn, người dân mới thắc mắc, không hiểu việc đo vẽ hồ sơ kỹ thuật thửa đất để làm gì vì khu vực này hiện đang có dự án đã được quy hoạch và phần lớn đất của người dân lại nằm trong hành lang Sông Nhuệ…

Hơn nữa, giữa tháng 7-2015, UBND quận Hà Đông đã yêu cầu UBND các phường phải nghiêm túc thực hiện việc kê khai đăng ký đất đai vì trong dư luận xuất hiện thông tin cho rằng đã có một số đối tượng lợi dụng việc kê khai đăng ký đất đai để thu tiền trái quy định của người dân làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ)…

Các hộ dân sống dọc bờ Sông Nhuệ ở phường Mộ Lao.


Phóng viên Báo Hànộimới đã khảo sát một số hộ gia đình ở khu vực này, nhiều người yêu cầu không tiết lộ danh tính và có chung nỗi ấm ức: Theo thông tin của TDP, khi kê khai đăng ký đất đai, các hộ dân đều phải đo hồ sơ kỹ thuật thửa đất và sau này sẽ được cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai (không phải sổ đỏ). Đơn vị đo vẽ thửa đất do tổ trưởng TDP đưa về và mỗi hộ chi thêm 50.000 đồng để "thuốc, nước" cho người đi đo. Chúng tôi sử dụng đất đã 30, 40 năm nay, nhưng không được xây dựng mới, vì thế không hiểu các hộ dân phải đo vẽ để làm gì khi không được cấp sổ đỏ; còn nếu đo vẽ để Nhà nước quản lý thì chúng tôi sẽ không phải chi trả số tiền 1,2 triệu đồng này... Cũng có trường hợp thấy người khác nộp tiền thì cũng làm theo, không tìm hiểu kỹ mình sẽ được gì khi đo vẽ hồ sơ kỹ thuật thửa đất.

Chúng tôi đã tìm gặp tổ trưởng của TDP 10 và 11. Qua trao đổi, được biết TDP chỉ thực hiện theo hướng dẫn của UBND phường thông qua Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 13-4-2015 của UBND phường Mộ Lao. Trước khi triển khai, TDP đã tổ chức họp đến đại diện các cụm dân cư, song người dân đến họp không đầy đủ nên không nắm bắt được hết chủ trương và cách thức thực hiện. Số tiền 1,2 triệu đồng người dân đồng thuận nộp và ghi vào sổ của tổ trưởng; còn 50.000 đồng là tiền các hộ tự nguyện bồi dưỡng người đi đo. TDP thực hiện theo văn bản hướng dẫn của phường, không vì lợi ích cá nhân. Chúng tôi nhận lỗi là công tác tuyên truyền còn chưa sâu rộng nên nhiều người dân không hiểu hết việc kê khai…

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hân, Giám đốc Công ty đo đạc cho biết: Nếu người dân sống dọc bờ Sông Nhuệ ở tổ 10 và 11 không đủ điều kiện cấp sổ đỏ thì cũng không cần thiết phải đo, nhưng chúng tôi làm dịch vụ, ai thuê thì đo vẽ và giá đo vẽ ở tổ 10, 11 là 1,2 triệu đồng/thửa; còn tiền bồi dưỡng thì Công ty không biết. Hiện Công ty đã đo vẽ xong cho các hộ dân ở tổ 10 (hơn 160 hộ), đã giao hồ sơ thửa đất cho tổ trưởng, còn tổ 11 đã đo 251 thửa. Tính đến ngày 10-9-2015, Công ty vẫn chưa ký hợp đồng đo vẽ với đại diện TDP và cũng chưa nhận đủ tiền đo…

Cần giải thích rõ ràng

Căn cứ quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính. Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý. Đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản gắn liền với đất gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện… Trường hợp đăng ký lần đầu mà không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất được tạm thời sử dụng đất cho đến khi Nhà nước có quyết định xử lý theo quy định của Chính phủ (Khoản 5, Điều 95 Luật Đất đai năm 2013).

Tại văn bản số 4453/STNMT-ĐKTK ngày 14-8-2014 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội hướng dẫn thực hiện việc đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân… đã ghi rõ hồ sơ đăng ký đất đai, nhưng không nói cụ thể việc đo vẽ hồ sơ kỹ thuật thửa đất của các hộ gia đình khi kê khai. Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 13-4-2014 của UBND phường Mộ Lao ghi: "Khi thực hiện kê khai đăng ký đất đai, đối với các thửa đất chưa có trích đo địa chính thì người sử dụng đất phải nhờ đơn vị tư vấn có chức năng đo đạc tiến hành đo đạc hiện trạng thửa đất và lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất". Từ hướng dẫn này nên các hộ dân ở TDP 10 và 11 đã phải đo vẽ!? Về việc này, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông khẳng định: Kê khai đăng ký đất đai là để phục vụ công tác quản lý đất đai của Nhà nước. Sau khi kê khai, ai đủ điều kiện và có yêu cầu thì mới làm thủ tục cấp sổ đỏ.

Để bảo đảm khách quan, chúng tôi đã tham khảo việc thực hiện công tác kê khai đăng ký đất đai ở một số địa bàn khác như: Phường Phú Diễn, Đại Mỗ (Nam Từ Liêm), quận Bắc Từ Liêm, phường Phú La, Phú Lãm (Hà Đông), chúng tôi thấy có một cách làm rành mạch khác. Ở các địa phương này, người dân nhận mẫu kê khai đăng ký đất đai, sau đó nộp lại cho UBND phường để cán bộ phường thẩm tra, nếu hồ sơ của hộ nào đủ điều kiện cấp sổ đỏ sẽ được thông báo hoàn thiện tiếp các thủ tục để làm giấy chứng nhận nếu có yêu cầu. Nhiều nơi cũng chưa có hồ sơ kỹ thuật từng thửa đất hoặc trên bản đồ mới chỉ được đo bao (đo tổng thể cả khu vực, chưa có hồ sơ từng dải thửa) cũng không bắt buộc các hộ dân phải đo, việc đo chỉ là khuyến khích và chỉ được thực hiện theo yêu cầu của người dân.

Song, giải thích về việc thửa đất chưa có bản đồ địa chính thì phải đo, ông Nguyễn Minh Trường, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường quận Hà Đông cho biết: Căn cứ Điều 70 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ thì việc đo vẽ là bắt buộc đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính. Đối chiếu Điểm b, Khoản 2, Điều 70 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định: Với trường hợp khi đăng ký đất đai chưa có bản đồ địa chính, trước khi thực hiện việc đăng ký đất đai thì "UBND cấp xã phải thông báo cho Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trích đo địa chính thửa đất hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có). Vậy, nghĩa vụ đo vẽ ở đây thuộc trách nhiệm của đơn vị nào, của người dân hay Văn phòng đăng ký đất đai? Nếu đo vẽ để phục vụ công tác kê khai đăng ký đất đai thì ai phải trả kinh phí? Việc UBND phường Mộ Lao yêu cầu các hộ dân chưa có bản đồ địa chính phải trích đo đã thỏa đáng chưa?

Thực tế này cũng cho thấy công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, làm không tốt, cái "sảy" sẽ nảy cái "ung". Việc hàng trăm hộ dân "tự nguyện" nộp tiền bồi dưỡng cũng là một việc làm không bình thường nên người dân thắc mắc là có cơ sở. Để làm rõ trách nhiệm đo vẽ hồ sơ kỹ thuật thửa đất ở những nơi chưa có bản đồ địa chính khi người dân đăng ký đất đai, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm giải thích rõ ràng, qua đó để người dân hiểu đúng, hiểu rõ chủ trương của thành phố, tránh việc một số đối tượng lợi dụng công tác kê khai này để trục lợi người thiếu thông tin, người chưa nắm bắt đầy đủ chủ trương của Nhà nước...

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest:

Trường hợp chưa có bản đồ thì việc thực hiện trích đo địa chính thửa đất là bắt buộc. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì việc trích đo địa chính có thể thực hiện theo 2 phương thức: Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trích đo địa chính hoặc công dân (tự nguyện) thuê đơn vị tư vấn có chức năng đo đạc thực hiện trích đo. Nếu có hai phương thức, nhưng cơ quan chức năng lại áp đặt chỉ được sử dụng một phương thức không được sự đồng thuận của người dân là trái với nguyên tắc thi hành công vụ của cán bộ, công chức: "Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".

Thiện Mỹ