Biến khó khăn thành lợi thế
Xã hội - Ngày đăng : 07:12, 19/09/2015
Sau DĐĐT, xã Phương Tú xác định nuôi trồng thủy sản là thế mạnh trong phát triển kinh tế, vì vậy đã ưu tiên đầu tư xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả cao.
Sau một số lần dồn đổi ruộng đất, xã Phương Tú đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị cao trên đồng đất chiêm trũng. Riêng thôn Ngọc Động đã hình thành hơn 70ha vùng chuyển đổi tập trung cho giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần cấy lúa truyền thống. Anh Nguyễn Văn Tản, thôn Ngọc Động, người đã có thâm niên 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá cho biết: Trên diện tích 3,6ha đất ruộng trũng, anh đầu tư cải tạo thành ao thả cá kết hợp nuôi vịt đẻ trên cạn. Mỗi năm, trang trại của gia đình anh Tản xuất bán ra thị trường khoảng 6 tấn cá các loại, trừ chi phí cho thu lãi từ 150 đến 180 triệu đồng.
Một mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Phương Tú (Ứng Hòa) cho giá trị cao. Ảnh: thái hiền |
Thăm trang trại của ông Lê Văn Chủ, với 3 hồ cá chuyên canh nuôi trồng thủy sản, hàng trăm tấn cá rô phi, diêu hồng, chép... cho doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng, người ta có thể cảm nhận được tâm huyết của người chủ trang trại này. Chia sẻ về những khó nhọc ngày đầu lập nghiệp, anh Lê Văn Chủ kể: "Ngày đó ai cũng nghĩ làm trang trại chỉ cần có đất, có vốn là xong, nhưng sự thật là muôn vàn gian khó". Những năm đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, anh nuôi cá, lợn, vịt, mỗi thứ một ít. Vừa làm vừa học, tham quan các mô hình điểm ở các nơi rồi áp dụng cho mô hình gia đình mình nên thu nhập ngày một khá hơn. Những năm gần đây, gia cầm liên tục rớt giá, anh và nhiều hộ dân ở Ngọc Động đã đổi hướng từ sản xuất đa canh lúa - cá - vịt sang nuôi chuyên sâu các loại cá có giá trị cao và thị trường tiêu thụ ổn định như rô phi đơn tính, cá chép V1… cho thu nhập khá.
Chủ nhiệm HTX Ngọc Động Lê Văn Tín cho biết, hiện trên địa bàn xã có 135 hộ xây dựng được mô hình trang trại đa canh trên diện tích 214,8 mẫu và hầu hết đã đầu tư chuyên canh nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, Ngọc Động trở thành một trong những vựa cá lớn nhất của huyện Ứng Hòa. Thời gian qua, giá cá thường xuyên ổn định, cá chép có giá bán buôn trung bình 55.000-60.000 đồng/kg, bán lẻ 65.000-70.000 đồng/kg; giá các loại cá khác như cá trôi, cá rô phi cũng tăng nhẹ, trung bình 45.000-50.000 đồng/kg nên các mô hình chuyên canh thủy sản của Ngọc Động khẳng định được giá trị vượt trội so với sản xuất đa canh trước đây. Để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, xã Phương Tú phối hợp tích cực với Sở NN&PTNT mở các lớp tập huấn, dạy nghề giúp các hộ nuôi trồng thủy sản nâng cao kiến thức chọn loại cá nuôi cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Đồng thời, nâng cao kinh nghiệm cho nông dân từ khâu cải thiện ao nuôi đến chăm sóc, quản lý, phòng trị bệnh; khuyến cáo nông dân không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong danh mục bị cấm nhằm bảo đảm chất lượng thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về mô hình nuôi trồng thủy sản của địa phương, ông Nguyễn Văn Phùng, Chủ tịch UBND xã Phương Tú đánh giá, toàn xã có 3.212 hộ thì gần 600 hộ nuôi cá với diện tích 128ha. Nhiều năm qua, nuôi cá là nghề chính mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Nhiều hộ năng động vừa nuôi cá, vừa kiêm nghề buôn bán thủy sản tại các chợ đầu mối trên thành phố nên thu nhập khá. Ngoài ra, nhờ đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố và Chi cục Thủy sản Hà Nội hỗ trợ tập huấn kỹ thuật đã tiếp sức cho nhân dân địa phương thâm canh nuôi cá truyền thống năng suất, chất lượng cao, trên quy mô lớn theo hướng an toàn thực phẩm...