Chủ động, quyết liệt chống ùn tắc giao thông
Giao thông - Ngày đăng : 06:57, 19/09/2015
Cùng với đó, công tác tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông được triển khai kịp thời, hiệu quả nên trong ngày 18-9 đã cơ bản không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Các công trình giao thông trọng điểm của thành phố cũng đã có những điều chỉnh kịp thời nhằm bớt ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân.
Khơi thông dòng chảy, hạ thấp mực nước
Báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, từ 17h ngày 17-9 đến 7h ngày 18-9, trên địa bàn thành phố đã liên tục xảy ra các đợt mưa, lượng mưa lớn tập trung lúc 5-6h ngày 18-9. Vào thời điểm mưa, nhiều tuyến phố đã bị úng ngập 0,2-0,3m như chân cầu Vĩnh Tuy, phố Mạc Thị Bưởi, đường Phạm Văn Đồng, Trần Bình, Phan Văn Trường (quận Cầu Giấy), Vĩnh Hưng (Hoàng Mai), Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân)… Tuy nhiên, từ 6h mưa ngớt dần, sau khoảng 30 phút nước ngập đã cơ bản rút hết nên giao thông cơ bản bình thường, không xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng do đường bị ngập.
Tuyến đường Nguyễn Trãi sáng 18-9.Ảnh: hồ như |
Ghi nhận của PV từ chiều 17-9 đến 10h ngày 18-9, khi dự báo có mưa lớn diện rộng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã huy động lực lượng, phương tiện ứng trực trên hơn 20 trọng điểm ngập trên địa bàn thành phố, sẵn sàng triển khai phương án phân luồng phương tiện, khơi thông dòng chảy. Tại một số điểm, Công ty đã triển khai máy bơm di động công suất lớn để bơm hút cưỡng bức nước ngập ra hệ thống thoát nước của thành phố. Trước đó, thực hiện kế hoạch chống úng ngập mùa mưa, Công ty đã thường xuyên tua vớt rác miệng thu hàm ếch, dỡ bỏ vật dụng, công trình cản trở dòng chảy trên mương, sông thoát nước; khơi thông, nạo vét hệ thống cống ngầm…
Cũng theo phương án trên, khi có dự báo mưa lớn, toàn bộ hệ thống mương, sông và hơn 80 hồ điều hòa được hạ mực nước; các cửa phai hồ lớn như Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… được mở để điều hòa thoát nước. Trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I và II cùng các trạm bơm cục bộ vận hành liên tục để hạ mực nước trên hệ thống.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tổng chiều dài các tuyến mương thoát nước trên địa bàn thành phố là 113km, tuy nhiên mới có hơn 40km kênh, sông thoát nước khu vực nội thành đã được cải tạo trong khuôn khổ Dự án thoát nước giai đoạn I. Còn lại, các mương thoát nước có tiết diện nhỏ, cao độ đáy hiện trạng không bảo đảm năng lực tiêu thoát nước mưa. Tương tự, tổng chiều dài mạng lưới cống, rãnh thoát nước khoảng 2.285km, trong đó 100 tuyến cống trong khu vực các quận trung tâm được cải tạo trong Dự án I và Dự án II, song một số tuyến cống chính không bảo đảm tiến độ đã ảnh hưởng đến năng lực tiêu thoát, là nguyên nhân gây ngập một số tuyến phố. Đối với khu vực mới quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… điểm úng, ngập xuất hiện do chưa có hệ thống thoát nước đồng bộ.
Tập trung giải tỏa ách tắc giao thông
Dù thành phố đã cơ bản không còn các điểm úng ngập, song do có mưa vào khung giờ cao điểm buổi sáng 18-9, lượng phương tiện đông, nhất là ô tô, taxi nên đã xảy ra hiện tượng ùn ứ cục bộ tại một số tuyến đường. Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an thành phố) đã chủ động bố trí lực lượng chỉ huy điều khiển giao thông từ 6h tại 340 vị trí, huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia chỉ huy giao thông hướng dẫn nhân dân qua những đoạn, tuyến đường mật độ giao thông cao. CSGT cũng đã tổ chức 52 tổ tuần tra kiểm soát lưu động trên 15 tuyến trục chính ra vào thành phố và trên các tuyến nội thị phòng ngừa ùn tắc trong giờ cao điểm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã bố trí lực lượng phân luồng từ xa, hạn chế các phương tiện vào điểm có thể ngập úng, ùn tắc, đồng thời bố trí lực lượng giải quyết các điểm ùn ứ giao thông trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai, Long Biên, Hai Bà Trưng.
Xe máy, ô tô chen nhau tại nút giao thông Thanh Xuân. Ảnh: như ý |
Trung tá Đỗ Mạnh Ninh, Đội trưởng Đội CSGT 7 - Phòng CSGT cho biết, đơn vị đã huy động 100% quân số, bố trí trên toàn tuyến, địa bàn phụ trách là quận Thanh Xuân, nhất là tuyến đường Nguyễn Trãi từ quận Hà Đông về nội thành, để chỉ huy, hướng dẫn giao thông, không dể xảy ra ùn tắc kéo dài.
Để thông tin và xử lý ùn tắc giao thông, Phòng CSGT đã phối hợp với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn các phương tiện gặp sự cố, phối hợp với kênh VOV giao thông khuyến cáo nhân dân không đi vào các khu vực ùn tắc. CSGT cũng phối hợp với lực lượng CSGT, CSTT, công an phường, xã, thị trấn, Thanh tra giao thông, bảo vệ dân phố, dân phòng, tự quản, thanh niên xung kích... tham gia phân luồng, hướng dẫn, phòng chống ùn tắc giao thông tại các đường ngang, ngõ nhỏ.
Trong khi đó, tại các công trình giao thông trọng điểm của thành phố, đặc biệt là các dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, dự án xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa… chủ đầu tư và nhà thầu đã tích cực triển khai các biện pháp thi công khoa học, tranh thủ thời gian làm ban đêm nhằm đẩy nhanh tiến độ; tăng cường nhân lực tham gia hướng dẫn giao thông; bổ sung biển báo, đèn cảnh báo giao thông.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết đã yêu cầu các đơn vị thi công tại 21 công trường giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố phải thực hiện ngay một số giải pháp. Cụ thể, tại dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, chủ đầu tư và nhà thầu phải bố trí lực lượng túc trực hướng dẫn giao thông 24/24h; với công trường tại ga bến xe Hà Đông cũ phải mở thêm một làn đường cho phương tiện lưu thông vào giờ cao điểm. Tại công trường hầm chui Thanh Xuân, yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tường chắn nhằm thu hẹp rào chắn lại; trong tháng 10-2015 phải hoàn thành việc nâng cấp đường hai bên. Tại dự án xe buýt nhanh BRT, Sở GTVT yêu cầu trong tháng 9-2015 phải hoàn thành nút giao Tố Hữu - Trung Văn để giảm ùn tắc.
Đối với dự án đường Vành đai 2, đoạn Trường Chinh, Ban QLDA trọng điểm phát triển đô thị cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để phục vụ giao thông, riêng đoạn cầu Phương Liệt phải thực hiện nghiêm việc cấm taxi vào giờ cao điểm. Lực lượng Thanh tra giao thông và CSGT tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu trên, nếu phát hiện công trường, chủ đầu tư nào không chấn chỉnh việc thi công, tiếp tục làm ảnh hưởng đến giao thông sẽ xem xét rút giấy phép thi công. Tuy nhiên, để hạn chế ùn tắc giao thông, chỉ sự nỗ lực của các lực lượng chức năng thành phố, các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu sẽ là không đủ mà mỗi người dân cần có ý thức hơn nữa trong việc tham gia giao thông, đi đúng phần đường, làn đường và tuân thủ các hướng dẫn giao thông…