Tôi hát bằng cả trái tim mình

Giải trí - Ngày đăng : 14:19, 18/09/2015

(HNM) - NSƯT Quốc Hưng - trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc Gia - được đánh giá là “giọng bass số một” của âm nhạc Việt Nam hiện tại.


Giọng ca của anh gắn liền với dòng nhạc cách mạng như một lẽ tự nhiên: dòng nhạc cho anh cơ hội để khoe hết vẻ đẹp tự nhiên cùng kỹ thuật bậc thầy của giọng ca và nhờ giọng ca ấy cùng cái tâm của một người thầy tận tụy với âm nhạc, những ca khúc có thêm sức mạnh để đi cùng năm tháng.


- Vang lên trong thời điểm này, những ca khúc nhạc đỏ mang đến cho người nghe thật nhiều cảm xúc đặc biệt. Và không có gì có thể khẳng định được giá trị của một dòng nhạc hơn là thước đo của cảm xúc đúng không anh?

- Giá trị của dòng nhạc cách mạng thật sự khó nói gọn mà hết được vì đó là những tác phẩm sống cùng năm tháng, sống cùng những thăng trầm của đất nước rồi, mà đến nay vẫn còn lay động lòng người thì phải nói sức sống ấy quá mạnh mẽ. Cả tháng nay, các ca sĩ dòng chính thống như chúng tôi đều kín lịch, có khi mỗi ngày diễn 3-4 show phục vụ công chúng.

- Nhưng thời gian gần đây xuất hiện một số quan điểm phủ nhận giá trị của nhiều ca khúc từng được khẳng định là “đi cùng năm tháng”. Là giảng viên âm nhạc, nhưng cũng là một ca sĩ với kinh nghiệm biểu diễn dày dặn, anh đánh giá thế nào về những quan điểm này?

- Tôi cũng có mấy lần theo dõi một chương trình ca nhạc trên truyền hình, ở đó có những vị khách mời nhận xét có cái gì đó xúc phạm tới cả nhạc sĩ, ca sĩ. Tôi không hiểu chương trình đó như thế nào nhưng thấy rất phản cảm. Ví dụ như tác phẩm Tôi là người thợ lò của nhạc sĩ Hoàng Vân, họ nhận xét rằng: chẳng thấy gì hay, chỉ là bài tuyên truyền. Với tôi đó là một nhận xét ngu dốt, xúc phạm đến nhạc sĩ. Với phê bình âm nhạc, chúng ta có quyền phát biểu ý kiến nhưng ngay cả với những phủ định phải nói thế nào cho văn minh, lịch sự nhất, chứ mình không hiểu gì về âm nhạc thì không thể đứng trên sóng quốc gia để nhận xét linh tinh được. Bạn biết đấy, ca khúc Tôi là người thợ lòcó cấu trúc âm nhạc rất hay, đầu tiên là một mảng viết chuyển giọng liên tục, chuyển giọng trưởng giọng thứ, chuyển tiết tấu, lúc nhanh lúc chậm rất đều đặn gần như một hoạt cảnh kể ra cuộc sống của một người bắt đầu sinh ra: Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ… như ngày xưa trên sân khấu truyền thống có câu: Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ… Đấy, lời ca hay như thế, mà một lời nhận xét của người không hiểu về âm nhạc lại xúc phạm quá lớn!

Bản thân tôi, tôi thấy công chúng hiện nay vẫn say sưa đón nhận dòng nhạc cách mạng. Album Những bản tình ca đỏ của tôi ra mắt năm 2013, phát hành 3000 bản cả DVD và CD, bây giờ trên thị trường không còn cái đĩa nào để bán nữa, bên Thăng Long Audio đang yêu cầu tái bản. Hay như năm 2010, tôi ra album Hà Nội ơi thầm hát với 2000 bản mà chỉ trong một thời gian rất ngắn bán hết sạch.

- Giọng ca Quốc Hưng, ngoài vẻ đẹp tự nhiên, kỹ thuật bậc thầy, còn rất giầu cảm xúc. Anh cũng từng chia sẻ rằng anh gửi gắm nhiều tình cảm riêng tư khi thể hiện bài hát?

- Tôi lớn lên đã vào thời bình rồi, cũng chỉ nghe những câu chuyện về chiến tranh qua bố và anh trai kể lại. Bố tôi đi bộ đội hai mươi mấy năm trong rừng Trường Sơn, những câu chuyện kể của ông in đậm trong ký ức của tôi từ nhỏ. Khi bố tôi xuất ngũ, ông về làm trong ngành bưu điện, nhưng vết thương trong chiến tranh làm ông bệnh rồi mất. Bởi vậy khi hát, tôi thường nhớ về bố, album Những bản tình ca đỏ chứa đựng rất nhiều tình cảm chan chứa yêu thương của cả người con, người lính. Mỗi tác phẩm gần như một câu chuyện trong thời chiến mà tôi hát bằng cả trái tim mình.

- Mới đây, Thành Chung, một cậu học trò năm thứ 2 của anh ra album mà thấy anh “đỡ” cho mọi thứ, từ khâu chọn bài, tư vấn biên tập, đến tổ chức ra mắt… Dễ nhận thấy ở anh một sự tận tụy hết lòng với học trò. Dòng nhạc cách mạng rất đẹp, nhưng bây giờ cũng khó tiếp cận về mặt thị trường, với học trò của anh, anh định hướng cho họ như thế nào?

- Thành Chung có một giọng hát đẹp nhưng cuộc sống tương đối vất vả nên đã quá tuổi để thi thố, bởi vậy tôi phải nghĩ ra một cái gì đó để các em có cơ hội được công chúng biết đến, thành công đến đâu còn tùy vào duyên của từng người.

Bây giờ có rất nhiều cuộc thi ca hát với sự đầu tư rất mạnh nhưng chỉ là âm nhạc giải trí, làm lệch lạc sự phát triển âm nhạc của đất nước, nhiều khi làm giới trẻ nhận thức sai lầm nghĩ rằng chỉ cần có công nghệ lăng-xê là đủ. Nhưng bạn thấy đấy, tất cả các ca sĩ học hành nghiêm túc thì đời sống nghệ thuật kéo rất dài. Đào tạo thanh nhạc hiện nay cũng rất phát triển. Mỗi mùa, trường tuyển sinh rất đông, các bạn trẻ khắp mọi miền tổ quốc đổ về khoa thanh nhạc Học viện Âm nhạc để học. Điều này để đánh giá rằng dù bên ngoài có nhiều xu hướng mà chúng ta gọi là âm nhạc thị trường nhưng các bạn trẻ vẫn biết chọn lựa những cái hay để học, biết cái gì là tinh tế nhất để các bạn theo đuổi.

- Cảm ơn anh!

Trà Giang