Cần có cơ chế, chính sách thông thoáng
Xã hội - Ngày đăng : 09:01, 18/09/2015
Gần hơn với biển
UBND TP Hồ Chí Minh vừa giao Sở Kế hoạch - Đầu tư xây dựng dự thảo Đề án thành lập Khu kinh tế đặc biệt (hay còn gọi là Đặc khu kinh tế) tiến về phía nam thuộc địa bàn Quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ với quy mô hàng nghìn héc ta. Song song đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề nghị xem xét, hỗ trợ thành phố nghiên cứu, định hướng chiến lược, rà soát các quy hoạch hiện hữu, phương thức đầu tư cũng như cơ chế chính sách, lộ trình thực hiện.
Theo các chuyên gia, với việc thành lập Khu kinh tế đặc biệt này, TP Hồ Chí Minh thực hiện chiến lược "gần hơn với biển". Điều này đòi hỏi một cơ chế chính sách về kinh tế và hành chính cao hơn, "mở" hơn nhằm thu hút mạnh đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài trong xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của TP Hồ Chí Minh, trong đó trọng tâm là kinh tế biển.
Cần cơ chế đột phá để phát triển khu vực phía Nam TP Hồ Chí Minh. |
Thực tế cho thấy, Khu Nam TP Hồ Chí Minh đang có những lợi thế đặc biệt mà không nơi nào có được để phát triển kinh tế biển, hiện thực hóa "giấc mơ" hướng biển của thành phố như Khu đô thị Cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) với luồng Soài Rạp vừa được nạo vét giai đoạn 2 có khả năng đón tàu 70.000 tấn ra vào, giúp thành phố tiến mạnh ra phía biển; Khu đô thị Nam Sài Gòn có quy mô lên tới 2.900ha, với hạt nhân là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng cùng các khu đô thị mới khác; Khu chế xuất Tân Thuận và Khu công nghiệp Hiệp Phước... được xem là nền tảng ban đầu cho việc thành lập Đặc khu kinh tế nhằm phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh đó, điều kiện tại Khu Nam TP Hồ Chí Minh có hệ thống kênh rạch đan xen, lại nằm gần rừng phòng hộ Cần Giờ - lá phổi xanh của thành phố - nên thuận lợi để phát triển đô thị sinh thái. Mới đây, trong buổi làm việc với UBND huyện Cần Giờ cùng các sở, ngành chức năng, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, chủ trương của Thường trực Thành ủy và UBND thành phố là rất quan tâm đến việc đầu tư, phát triển thế mạnh về du lịch tại địa phương này.
Thách thức át tiềm năng?
TS Võ Kim Cương (Hội Quy hoạch và Phát triển TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đến thời điểm này, "cái áo" cơ chế đã quá chật đối với một thành phố 10 triệu dân như TP Hồ Chí Minh. Nhiều năm qua, chính quyền thành phố đã liên tục kiến nghị đổi mới cơ chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý đô thị để phù hợp với "tầm vóc" của thành phố. Chính vì vậy, theo TS Võ Kim Cương, việc TP Hồ Chí Minh xem xét thành lập Đặc khu kinh tế để hưởng cơ chế chính sách đặc biệt là cần thiết cho chiến lược phát triển lâu dài. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Đặc khu kinh tế chỉ thành công khi đạt được mục tiêu là khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, tạo sự bứt phá trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Theo TS Võ Kim Cương, hai thách thức lớn mà TP Hồ Chí Minh phải đối mặt khi thành lập Đặc khu kinh tế. Thứ nhất, phải thay đổi cơ chế, chính sách cho phù hợp. Nếu cơ chế chính sách không đủ thông thoáng, thủ tục hành chính rườm rà, không đủ sức cạnh tranh thì không nên lập Đặc khu kinh tế. Thứ hai, khu vực thành lập Đặc khu kinh tế là vùng đất trũng thấp, nền đất yếu. Do đó, chi phí đầu tư cho hạ tầng rất cao, trong khi phải có cơ sở hạ tầng cơ bản thông suốt mới tạo ra sức thuyết phục cho đặc khu. Bên cạnh đó, phải có sự kết nối với các cơ sở công nghiệp trong cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Còn TS Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright) đặt vấn đề, liệu TP Hồ Chí Minh có cần thiết thành lập Đặc khu kinh tế? Theo TS Huỳnh Thế Du, hiện thành phố đang có một mô hình hao hao với Đặc khu kinh tế, đó là Khu Nam Sài Gòn, mà hạt nhân là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Mặc dù đây chỉ là mô hình cấu trúc doanh nghiệp của một liên doanh là Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC - UBND TP Hồ Chí Minh) và Tập đoàn Central Trading & Development (CT&D - Đài Loan) cộng với một số chính sách hỗ trợ của thành phố đã tạo ra tốc độ phát triển thần kỳ, làm thay đổi hẳn bộ mặt đô thị phía Nam TP Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, một khi đã thành lập Đặc khu kinh tế phải có những cơ chế, chính sách thật sự đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển thực tiễn của thành phố mà đề án đặt ra.