Phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp: Vẫn vướng "rào cản" cũ
Kinh tế - Ngày đăng : 06:09, 18/09/2015
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, từ khi triển khai đề án đến nay, toàn thành phố đã đầu tư 842 máy làm đất, 193 máy gặt đập liên hợp, 210 máy cấy, 461 máy phun thuốc bảo vệ thực vật. Trong chăn nuôi, riêng chăn nuôi bò đã bổ sung 530 máy vắt sữa; chăn nuôi gà đầu tư 250 hệ thống cho ăn bán tự động, uống tự động; 95 hệ thống làm mát cho lợn và 470 hệ thống cho ăn bán tự động. Còn lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đầu tư 241 hệ thống quạt nước... Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Hồng Anh, nhờ tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất, năng suất cây trồng, vật nuôi ở nhiều địa phương có bước chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, đưa cơ giới vào sản xuất giúp bảo đảm tính thời vụ, giảm thời gian lao động...; năng suất cây trồng, vật nuôi tăng 10 - 15%, chi phí sản xuất giảm 0,7 - 2,8 triệu đồng/ha/vụ, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch giảm 2 - 3%.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. |
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tích cực phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương tổ chức 11 lớp tập huấn chuyên sâu cho 192 kỹ thuật viên cơ sở thuộc 14 huyện về quản lý, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp; 44 lớp tập huấn diện rộng cho 1.300 người về kỹ thuật sử dụng, bảo dưỡng máy nông nghiệp ở 16 huyện, thị xã. Đi đôi với công tác tuyên truyền, Trung tâm cũng tổ chức tham quan nhiều mô hình cơ giới hóa tại các tỉnh có tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa cao trong nông nghiệp, giúp nông dân nhận thức, tiếp thu kinh nghiệm...
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, cả về chủ quan và khách quan, tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn thấp so với nhiều địa phương trong cả nước. Trong trồng trọt chỉ có khâu làm đất ở mức cao khi đạt trên 90% diện tích; còn lại chỉ đạt 2,1% diện tích được cấy bằng máy, 13,5% diện tích gặt bằng máy. Trong khâu vắt sữa bò cơ giới hóa đã chiếm 37,7%, khâu thái cỏ đạt 68%. Chăn nuôi lợn, gà, thủy sản cũng đạt thấp so với mục tiêu đề ra, như khâu làm mát chuồng lợn đạt 5,2%, gà đạt 11,9%; cơ giới hóa ăn bán tự động, uống tự động chăn nuôi lợn đạt 24,6%, gà đạt 16,4%. Hệ thống quạt nước nuôi thủy sản đạt 7,5% diện tích nuôi thủy sản.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, khi sản xuất nông nghiệp quy mô nông hộ, tính liên kết, hợp tác còn thấp là nguyên nhân chính cản trở việc đưa cơ giới hóa vào canh tác, nhất là các loại máy có công suất lớn. Việc triển khai cơ giới hóa cần sự tham gia đồng bộ của các địa phương, song sự chỉ đạo ở một số nơi thiếu quyết liệt, trông chờ, ỉ lại vào thành phố nên chưa có những giải pháp đột phá để tạo sự chuyển biến rõ nét.
Ngoài những hạn chế về quy mô, nhân lực thì việc triển khai cơ giới hóa vướng nhất vẫn là khâu chính sách. Theo thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT, toàn thành phố mới có 55 hộ dân được hỗ trợ lãi suất ngân hàng để mua 55 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp (theo Quyết định 16/2012/QĐ-UBND của thành phố), trong đó có 30 máy gặt đập liên hợp, 25 máy làm đất. Theo Quyết định 16: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp đều được ngân sách cấp thành phố hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất 100% giá trị sản phẩm. Tuy vậy, rất ít hộ dân tiếp cận được hỗ trợ do những thủ tục để được hỗ trợ rườm rà, chưa phù hợp với thực tế. Theo phản ánh của người dân, trong trường hợp vay được vốn hỗ trợ thì sau khi mua máy, ngoài những thủ tục, giấy tờ theo quy định họ còn phải đợi đến nửa năm mới nhận được hỗ trợ, bởi phải qua nhiều khâu xét duyệt. Chính những thủ tục rườm rà này đã khiến nhiều đơn vị, cá nhân không muốn mua máy móc ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp...