Syria trong cuộc tranh giành ảnh hưởng
Thế giới - Ngày đăng : 06:09, 18/09/2015
Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, quốc gia Trung Đông nhiều bất ổn với vị trí địa - chiến lược quan trọng trong khu vực lại nổi lên như một "điểm đến" trong cuộc tranh giành ảnh hưởng không kém phần quyết liệt giữa hai cường quốc thế giới là Nga và Mỹ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cuối tuần qua đã lên tiếng khẳng định: Mátxcơva sẽ tiếp tục cung cấp các trang thiết bị quân sự cho quân đội Syria. Tuyên bố được người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga đưa ra sau khi hai máy bay vận tải của nước này đáp xuống sân bay ở thành phố cảng Lattaquié của Syria. Theo Ngoại trưởng S.Lavrov, hàng viện trợ quân sự Nga sẽ tiếp tục tới Syria cùng các chuyên gia Nga, những người sẽ hướng dẫn binh lính nước này làm quen và sử dụng các vũ khí Nga. Như khẳng định của Ngoại trưởng S.Lavrov, vũ khí Nga cung cấp cho Syria theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế và nằm trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác hai nước đã ký kết. Vì thế, sự hiện diện của chuyên gia Nga tại Syria để huấn luyện binh sĩ nước này sử dụng thiết bị quân sự do Nga cung cấp là hết sức bình thường.
Các cuộc xung đột tiếp tục tàn phá Syria. |
Tuy nhiên, việc Nga công khai hỗ trợ quân sự cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã gây quan ngại cho nước Mỹ. Dù Tổng thống Barack Obama chưa trực tiếp trao đổi với người đồng cấp Vladimir Putin về quyết định của Nga, song trong một phát biểu mới đây, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố, Mỹ mong muốn "sự can dự mang tính xây dựng hơn" từ Nga vào liên minh 60 nước do Mỹ đứng đầu trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Trong cuộc điện đàm đầu tuần giữa Ngoại trưởng John Kerry với người đồng cấp S.Lavrov - lần trao đổi thứ 3 giữa hai quan chức cấp cao này kể từ 5-9 vừa qua - ông J.Kerry cũng bày tỏ lo ngại việc Nga hỗ trợ quân sự cho Damascus sẽ làm leo thang xung đột, ảnh hưởng tới mục tiêu chung trong cuộc chiến chống khủng bố IS, cũng như việc tìm giải pháp cho một tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria.
Can dự "nóng" của Nga tại Syria được cho là "bước đi trước" của Mátxcơva trong bối cảnh phương Tây ngày một "tích cực" hơn, nhằm hướng tới một Syria không có Tổng thống B.Al-Assad. Hiện Nga và Mỹ đang mâu thuẫn gay gắt xung quanh việc giải quyết cuộc xung đột tại Syria, đặc biệt là về vai trò của Tổng thống B.Al-Assad. Mỹ muốn ông B.Al-Assad phải ra đi, trong khi Nga và Tổng thống B.Al-Assad không chấp nhận một ý tưởng như vậy. Được sự hậu thuẫn từ Nga, Tổng thống B.Al-Assad vừa tuyên bố, một giải pháp chính trị cho Syria chỉ khả thi khi khủng bố tại nước này bị đánh bại.
Khả năng Nga đưa quân đội can thiệp trực tiếp vào Syria ở thời điểm này là không thể. Bài học của Liên Xô tại Afghanistan vào thế kỷ trước vẫn còn nguyên giá trị. Thế nhưng, việc hậu thuẫn cho Damascus trong cuộc chiến chống khủng bố là điều Mátxcơva thấy có cơ sở trên bình diện quốc tế. Và, Nga đã hành động với thông điệp: Bất kỳ lực lượng vũ trang bản địa nào nuôi hy vọng lật đổ chính quyền của Tổng thống B.Al-Assad bằng quân sự là không tưởng; đồng thời Mátxcơva tạo điều kiện cho "đồng minh" Iran lấp đầy khoảng trống quyền lực để bước vào mặt trận chống IS. Với hỏa lực mới bổ sung từ Nga, Damascus sẽ không để phe đối lập đánh bại và hẳn sẽ tăng khả năng đáp trả các can dự từ bên ngoài.
Cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua tại Syria đã khiến khoảng 250.000 người chết và gần một nửa dân số nước này phải rời bỏ đất nước. Trong đó nhiều người đang lũ lượt tìm đường tới Châu Âu bất chấp mọi hiểm nguy và một tương lai bất định. Thế nhưng, quân đội Syria không chỉ phải đối mặt sự nổi dậy của các phe nhóm chính trị, mà còn phải bước vào cuộc chiến trên mặt trận mới chống IS. Trong bối cảnh hiện nay, đối thoại giữa Mátxcơva và Washington nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông được xem là hết sức cần thiết. Nhưng, những gì đang diễn ra cho thấy một Syria yên bình và hòa hợp vẫn chỉ là một hy vọng xa vời.