Các luật sư nhận định: Cán bộ công an đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:03, 18/09/2015

(HNM) - Các luật sư Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Văn Quynh, Nguyễn Đức đều có chung nhận định: Có cơ sở cho thấy một số chiến sĩ CA Phường 11 vi phạm nghiêm trọng pháp luật về báo chí, quy định của ngành CA.


Vi phạm pháp luật về báo chí và quy định của ngành Công an

Theo phân tích của luật sư Nguyễn Văn Hậu, CA Phường 11, quận Gò Vấp cho rằng phóng viên Phạm Thanh Tàu tác nghiệp trong tình trạng có rượu bia dẫn tới cử chỉ không đúng mực nên đã "mời" về trụ sở CA phường để giải quyết, nhưng đơn vị này lại không có bằng chứng (ví dụ không có máy đo nồng độ cồn để đo tại thời điểm đó) cũng như không có biên bản để chứng minh cáo buộc nêu trên.

Về phía mình, phóng viên Báo Hànộimới có bản ghi âm chứng minh rõ ràng một số chiến sĩ CA Phường 11, quận Gò Vấp đã có những lời nói không đúng mực, nhục mạ, xúc phạm phóng viên và cơ quan báo chí; không chấp nhận giấy giới thiệu và ngăn cản phóng viên tác nghiệp tại hiện trường.

Phóng viên Phạm Thanh Tàu tả lại lúc bị đánh tại trụ sở Công an Phường 11 trong buổi làm việc với ban lãnh đạo đơn vị này.


Việc CA phường ngăn cản, tịch thu phương tiện ghi hình và xóa hình ảnh mà phóng viên đã ghi lại là vi phạm các quy định pháp luật về báo chí. Tại Điều 7 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản nêu rõ: Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể: Cá nhân có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; hành vi hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên, thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, đồng thời bị buộc xin lỗi và trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí.

Từng là phóng viên, rồi làm quyền Tổng Thư ký của một tờ báo chính trị - xã hội trước khi trở thành luật sư, luật sư Nguyễn Đức phân tích: Không chỉ vụ phóng viên Phạm Thanh Tàu bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp, mới đây còn xảy ra vụ phóng viên Hoàng Nam của Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh bị cản trở khi tác nghiệp ngoài khu vực tòa án. Điều trùng hợp là những người có trách nhiệm liên quan trong cả hai vụ việc trên đều giải thích rằng cấp dưới của họ chỉ "mời" phóng viên về cơ quan để giải quyết, không có chuyện hành hung như tố cáo của phóng viên. Tuy nhiên, với những chứng cứ có được, hành vi "mời" của họ quá bạo lực, không đúng chuẩn mực khi thi hành công vụ. Phóng viên Hoàng Nam của Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh bị khóa tay, dẫn đi như tội phạm, còn phóng viên Thanh Tàu của Báo Hànộimới thì bị ép lên xe máy, chích công cụ hỗ trợ bằng điện vào người và áp giải về trụ sở sau đó ép giữ lại nhiều giờ đồng hồ, bắt viết tường trình và khi được thả phải vào bệnh viện để khám thương.

Báo cáo không đầy đủ của Công an Phường 11 với Công an quận Gò Vấp.


Theo luật sư Nguyễn Đức, qua hai vụ phóng viên bị cản trở tác nghiệp, hành hung có thể thấy một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền đã không chịu rèn luyện bản thân và không nhận thức đầy đủ hoặc cố tình không nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của nhà báo. Từ đó dẫn tới có những lời nói, hành động cản trở phóng viên báo chí, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do khai thác thông tin của nhà báo. Những người như thế cần phải bị xử lý nghiêm.

Phân tích băng ghi âm có những lời nói của Thiếu úy Phạm Minh Phúc, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết: Cán bộ, chiến sĩ CA mà có lời nói, hành vi không chuẩn mực, lăng mạ, xúc phạm người khác là vi phạm Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10-4-2012 của Bộ CA về Điều lệnh, nội vụ CAND. Theo Thông tư này, "Khi quan hệ với các tổ chức, công dân ngoài lực lượng CAND, cán bộ, chiến sĩ CA phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước, của cơ quan, đơn vị nơi mình đến quan hệ công tác; giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; không làm điều gì ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của lực lượng CAND".

Luật sư Nguyễn Văn Quynh thì cho rằng, chiến sĩ CA nêu trên đã "quên" 6 điều Bác Hồ dạy, 5 lời thề, 10 điều kỷ luật CAND cần nhớ. Ngành CA quy định rất chi tiết từng hành vi ứng xử của cán bộ, chiến sĩ. Ngay cả khi tiếp xúc với tội phạm (theo Điều 41, Thông tư 17/2012/TT-BCA) thì cán bộ chiến sĩ CA vẫn phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực; không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử đối với người vi phạm!

Công an có hành vi chống người thi hành công vụ

Là người bảo vệ quyền lợi cho phóng viên Phạm Thanh Tàu, tham dự trực tiếp buổi đối thoại giữa đại diện Báo Hànộimới với ban lãnh đạo CA Phường 11, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng, có dấu hiệu rất rõ cần phải xem xét đưa việc cản trở, hành hung phóng viên vào loại hành vi "chống người thi hành công vụ" bởi ông Phạm Thanh Tàu là phóng viên Báo Hànộimới (có hợp đồng lao động, có giấy giới thiệu có thời hạn) đang tác nghiệp trong lĩnh vực, địa bàn được cơ quan giao, tức là thi hành công vụ.

Mặt khác, cũng theo luật sư Nguyễn Văn Quynh, dù CA Phường 11 giải thích là "mời" nhưng hành vi ép buộc lên xe, áp tải về trụ sở, giữ nhiều giờ đồng hồ, bắt viết tường trình rồi hành hung là hành vi bắt giữ, sử dụng bạo lực. Cái gọi là bằng chứng sai phạm của phóng viên do phía CA Phường 11 cung cấp chỉ là bản báo cáo của một số cá nhân liên quan, không có biên bản, chứng cứ khẳng định phóng viên Phạm Thanh Tàu có vi phạm, không chứng minh được cáo buộc phóng viên có nồng độ cồn khi tác nghiệp. Hơn nữa, Thiếu úy Phạm Minh Phúc (người ra lệnh đưa phóng viên về trụ sở) không có đủ thẩm quyền bắt giữ người. Việc bắt giữ người phải có lệnh từ cơ quan có thẩm quyền. Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh, có thể xem đó là hành vi bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 Bộ luật hình sự... 

Nhóm PVĐT