Một cú "sốc" thương hiệu

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:41, 18/09/2015

(HNM) - Mươi năm trở lại đây, nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ngày càng lớn dần, người tiêu dùng có xu hướng chọn lựa sản phẩm của những cơ sở sản xuất uy tín, có truyền thống... với hy vọng không gặp phải "quả đắng".

Vì thế, vào các dịp Trung thu, rằm tháng Giêng, tết Nguyên đán, tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khu vực phố cổ Hà Nội người ta lại xếp hàng vòng trong, vòng ngoài, thậm chí nhẫn nại vài tiếng đồng hồ để mua dăm cái bánh chưng, cân giò lụa, chả quế hay một đôi hộp bánh trung thu… Thời buổi kinh tế thị trường, hàng hóa ê hề và chỉ cần ngồi nhà "lướt web" là có thể được phục vụ tận nơi nên cảnh xếp hàng như thời bao cấp khiến không ít người, đặc biệt là những người không sống ở Hà Nội… ngạc nhiên, thậm chí "không thể hiểu nổi"! Rõ ràng, ngoài câu chuyện lòng tin vào một thương hiệu thì vấn đề chất lượng được bảo đảm qua nhiều năm tháng đã được người tiêu dùng "ủy thác". Vậy mà…

Sáng 17-9, một trong những thông tin nhận được nhiều sự quan tâm là việc Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP trung ương và TP Hà Nội sau buổi làm việc (ngày 16-9) đã quyết định tạm dừng hoạt động của cơ sở sản xuất bánh ngọt Bảo Phương 2, địa chỉ 223 phố Thụy Khuê (Hà Nội). Lý do được đưa ra là cơ sở này không bảo đảm các thủ tục pháp lý, vi phạm các quy định về ATVSTP. Điển hình là có quy mô sản xuất khá lớn, với khoảng 60 công nhân, nhưng cơ sở này không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, không có giấy đăng ký kinh doanh. Một số nguyên liệu sản xuất bánh trung thu chưa chứng minh được nguồn gốc. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, điều kiện vệ sinh môi trường của cơ sở sản xuất này "cực kỳ kém". Hiện 2 mẫu bánh nướng và bánh dẻo nhân thập cẩm của cơ sở Bảo Phương 2 đã được đưa đi xét nghiệm và kết quả sẽ được thông báo trong những ngày tới. Chủ cơ sở sản xuất cam kết sẽ khắc phục những vấn đề đoàn kiểm tra chỉ ra trong 2 ngày…

Sở dĩ thông tin trên được tìm đọc nhiều bởi lẽ thương hiệu bánh trung thu Bảo Phương đã có uy tín trên thị trường, được rất nhiều người lựa chọn sử dụng không chỉ cho gia đình mình mà còn là quà biếu, quà tặng mang đậm hương vị Hà Nội, được chuyển đi khắp cả nước và nước ngoài. Mấy năm gần đây, để mua được bánh trung thu mang thương hiệu Bảo Phương này, không ít người phải xếp hàng, chờ đợi cả tiếng đồng hồ… Và, thông tin tạm dừng sản xuất của một cơ sở được nhiều người tiêu dùng ưa thích khi tết Trung thu đang cận kề đã thật sự trở thành cú "sốc". Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng đa phần ủng hộ quyết định của đoàn kiểm tra liên ngành. Bởi lẽ, trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt này - đặc biệt là trước đó cơ quan quản lý đã nhiều lần yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh trung thu phải bảo đảm ATVSTP trước khi đưa ra thị trường - nếu không quan tâm đến ATVSTP thì không đáng giữ thương hiệu "nổi tiếng".

Hẳn là các lực lượng chức năng khi đưa ra quyết định phải chịu nhiều áp lực bởi thương hiệu nổi tiếng như một "cái đinh" vô hình đã "đóng" vào lòng tin của người tiêu dùng bấy lâu nay. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, chúng ta cũng đang sống trong một xã hội mà những yêu cầu liên quan đến nâng cao chất lượng cuộc sống con người ngày một cao hơn. Do đó, không thể giữ mãi cái gọi là "truyền thống" với một quy trình sản xuất lạc hậu, mất vệ sinh khi mọi điều kiện cuộc sống đã chuyển động không ngừng. Chỉ những đơn vị, cá nhân nào biết duy trì, phát huy thương hiệu; đổi mới, cải tiến phương pháp sản xuất và lấy người tiêu dùng làm mục tiêu phục vụ thì mới có thể tồn tại và phát triển. Người tiêu dùng không chấp nhận mãi lý do "khuất mắt trông coi chứ đâu chả thế" khi nhắc đến điều kiện sản xuất của các làng nghề, cơ sở sản xuất thực phẩm, bánh kẹo truyền thống... Rõ ràng, trong thời hội nhập, việc có được thương hiệu đã khó, duy trì thương hiệu lại càng khó hơn và câu chuyện trên là một bài học.

Đan Nhiễm