Đôi lời về văn hóa xếp hàng
Xã hội - Ngày đăng : 07:38, 17/09/2015
Trước tôi là khoảng gần chục người cũng đang xếp hàng đợi đến lượt vào rút tiền. Việc xếp hàng từ lâu đã là một nguyên tắc, dẫu không có quy định nhưng hầu như ai cũng phải tự nhận biết điều ấy mà thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế thì tôi để ý thấy, không ít người dẫu đến sau vậy mà cứ chen lấn để đứng lên phía trước.
Tôi nghĩ, có thể họ thừa biết ý thức tối thiểu trong việc xếp hàng, nhưng họ vẫn cố tình phớt lờ khiến cho những người bị "vượt mặt" luôn tỏ ra khó chịu với thái độ đó. Ngay như ngày rút tiền cuối tuần hôm ấy, có một người phụ nữ mặc dù đi đến sau tôi tới cả gần chục người vậy mà không chịu xếp hàng, tiến lên tận... cửa buồng ATM! Khi người khách vừa giao dịch rút tiền xong, hé cửa bước ra, bà ta nhanh nhảu chui luôn vào, khiến cho những người đang đứng xếp hàng cảm thấy khó chịu, bực mình. Hành động này rất đáng chê trách vì nếu có vội vã, gấp gáp thật sự cần rút tiền nhanh thì người phụ nữ này cũng phải lên tiếng xin lỗi và xin phép mọi người để được giao dịch trước.
Nhiều lần tôi đi dán tem xe buýt tháng cũng vậy. Do những ngày cuối tháng, lượng người đi dán tem đông nên ở hầu như tất cả các điểm có bán tem vé tháng cũng luôn trong tình trạng quá tải. Ở đó, tôi cũng bắt gặp khá nhiều người mất lịch sự khi họ không tuân thủ việc xếp hàng mà luôn chen lấn xô đẩy người đứng phía trước để nhoi lên. Tôi còn gặp trường hợp một thanh niên ngang ngược khi cãi rằng "ở đây làm gì có biển xếp hàng mà phải xếp...". Phản ứng của người này khiến số đông những người đứng xếp hàng không chấp nhận và một bác lớn tuổi nói: "Dẫu không có biển bảng gì nhưng tự mỗi người phải hiểu mà tự giác thực hiện. Điều này bác nghĩ chẳng ai dạy ai mà phải tự nhìn nhau mà học thôi...". Khi mọi người phản ứng bằng những cái nhìn không thiện cảm, kết hợp với câu góp ý của bác lớn tuổi, cậu thanh niên đó mới im và chịu đứng xếp hàng như mọi người...
Trong cuộc sống hằng ngày, cũng có những nơi việc xếp hàng là bắt buộc tất cả mọi người đều phải thực hiện. Ví dụ như khi đi rút số thứ tự khám ở bệnh viện, đi làm chứng minh thư, làm hộ chiếu, mua vé tàu... Ở những nơi này, mọi giao dịch đều phải thực hiện theo số thứ tự vì thế mà những người không muốn xếp hàng cũng không được. Thế nhưng, ngoài đời thường như ở điểm rút tiền, nơi thanh toán siêu thị..., hiện vẫn có khá nhiều người luôn không chịu thực hiện ý thức tối thiểu, đó là xếp hàng khi mua bán, giao dịch.
Việc xếp hàng khi mua bán, giao dịch cũng là thể hiện một nếp sống văn hóa, tôn trọng lẫn nhau. Vì thế, mỗi người cần phải có ý thức về điều đó trong đời sống sinh hoạt hằng ngày để không bị coi là người mất lịch sự trong cộng đồng...