Sắp kết thúc thí điểm chế định Thừa phát lại

Chính trị - Ngày đăng : 20:43, 16/09/2015

(HNMO) - Cuối giờ chiều 16-9, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cơ bản nhất trí với đề xuất của Bộ Tư pháp Chính phủ, sẽ chấm dứt thí điểm, giao Chính phủ ban hành một Nghị quyết về việc tổ chức hoạt động thừa phát lại (TPL), trên cơ sở đề xuất của các đại biểu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.


Để khắc phục tình trạng văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của TPL chưa thể đầy đủ và hoàn thiện, quy định pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thống nhất với chế định pháp luật về TPL, gây khó khăn cho TPL trong việc thực hiện công việc của mình, cũng cần nghiên cứu xây dựng luật về TPL.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)


Trước đó, trình bày báo cáo tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, đến nay, tại 13 địa phương thực hiện thí điểm đã có 53 Văn phòng TPL được thành lập, trong đó khoảng 50% các Văn phòng TPL được tổ chức theo hình thức công ty hợp danh và 50% được tổ chức theo hình thức doanh nghiệp tư nhân.

Tính tới ngày 31/7/2015, các văn phòng TPL đã tống đạt được 834.734 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 781 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu là 107 tỷ 552 triệu 100 nghìn đồng. Trong số các công việc đã thực hiện, hoạt động tống đạt văn bản chiếm tỷ trọng lớn với 834.734 văn bản được tống đạt và doanh thu gần 50 tỷ đồng (chiếm 44,79 % tổng doanh thu). Hoạt động lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác cũng là thế mạnh của các văn phòng TPL với 39.027 vi bằng được lập và doanh thu trên 52 tỷ đồng (chiếm 49,07% tổng doanh thu). Riêng xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Hiệu quả hoạt động TPL bước đầu đã cho thấy đây là một hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp, hoạt động thi hành án dân sự mà chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. TPL đã bắt đầu trở thành một nghề và từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động tư pháp.

Để chế định TPL được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị: Giao Chính phủ tổ chức thực hiện chế định TPL theo quy định hiện hành cho đến khi Quốc hội ban hành Luật TPL. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa tổ chức thí điểm, căn cứ vào điều kiện, nhu cầu tại địa phương mình, xây dựng Đề án thực hiện chế định TPL báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt sau khi thống nhất ý kiến với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, kết quả triển khai thí điểm chế định TPL được kết quả bước đầu khả quan, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa.

Hà Phong