Đề xuất giảm mức đóng BHYT với gia đình có 2 con tham gia
Đời sống - Ngày đăng : 17:03, 16/09/2015
(HNMO) - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 41 theo hướng tăng mức hỗ trợ của nhà nước bảo đảm không có sự chênh lệch giữa các nhóm đối tượng, cho phép gia đình có 2 học sinh sinh viên (HSSV) tham gia BHYT được giảm mức đóng như đối tượng tham gia theo hộ gia đình.
Năm học 2015-2016 là năm học đầu tiên thực hiện Nghị định 105/2014 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 41/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Y tế, việc thu BHYT học sinh sinh viên có 2 điểm mới nổi bật.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Việc tăng mức đóng BHYT HSSV là cần thiết |
Đó là, mức đóng BHYT HSSV từ 3% lên 4,5% lương cơ sở và thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT HSSV thực hiện theo năm tài chính (từ 1/1 đến 31/12 của năm). Những năm học trước, thẻ BHYT HSSV thực hiện theo năm học (đầu tháng 9 hoặc tháng 10 và hết hạn vào cuối thắng 8 hoặc tháng 9 năm sau). Chính vì vậy, do có 3 tháng giao thoa của năm 2015 nên HSSV đóng BHYT 15 tháng. Vì thế, quá trình thu BHYT HSSV thời gian qua đã gặp một số khó khăn.
Tại buổi cung cấp thông tin về BHYT HSSV do BHXH Việt Nam tổ chức chiều 16/9, ông Phạm Lương Sơn-Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT- BHXH Việt Nam cho biết, để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và đảm bảo quyền lựa chọn phương thức đóng của HSSV và phù hợp với quy định của Luật BHYT, BHXH Việt Nam đề nghị liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 41 theo hướng năm tài chính hoặc năm học, khóa học; đồng thời tăng mức hỗ trợ của nhà nước bảo đảm không có sự chênh lệch giữa các nhóm đối tượng, cho phép gia đình có 2 HSSV tham gia BHYT được giảm mức đóng như đối tượng tham gia theo hộ gia đình.
BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp, chỉ đạo sở Giáo dục Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo phối hợp cùng ngành BHXH tăng cường thực hiện BHYT cho HSSV; nhà trường khắc phục khó khăn để thu BHYT làm nhiều đợt nhằm giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh HSSSV vào đầu năm học mới.
Ông Sơn cho biết thêm, theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thời gian qua, 5 tỉnh, thành phố tổ chức tổ chức theo BHYT theo năm học như những năm trước. 58 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện thu theo năm tài chính; trong đó 8 tỉnh, thành phố thu 1 lần 15 tháng, 50 tỉnh, thành phố kết hợp nhiều phương thức thu (6 tháng và 9 tháng, 9 tháng và 6 tháng hoặc 7 tháng và 8 tháng), một số tỉnh, thành phố thu 3 đợt (3 tháng năm 2015, 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm 2016).
Chủ trì buổi cung cấp thông tin, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh cho rằng, BHYT nói chung và BHYT HSSV là nhu cầu an sinh thiết yếu. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này. BHYT HSSV là bắt buộc bởi đây là vấn đề an sinh thiết yếu. Theo quy định của Luật, việc điều chỉnh BHYT HSSV được phép ở mức 4,5%-6% nhưng chúng ta mới điều chỉnh 4,5%. Tuy mức đóng trên cao so với trước nhưng chỉ cao hơn trên 100.000 đồng, trong đó điều quan trọng hơn, những nhóm khó khăn đều được Nhà nước hỗ trợ. Những đối tượng còn lại chỉ phải đóng 70%.
So với các nước trong khu vực, mức đóng bảo hiểm ở nước ta chỉ bằng 1/2, thậm chí là 1/3. Chẳng hạn, ở Thái Lan, mức đóng là 6-8%,, Singapore: 11%.
“Mức đóng BHYT đối với HSSV tăng nhưng so với các nước xung quanh và nhu cầu về khám chữa bệnh thì việc tăng trên là cần thiết”, bà Minh nói.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc mức đóng bảo hiểm tăng lên thì dịch vụ y tế có được nâng lên ở mức tương ứng, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, hơn ai hết, BHXH Việt Nam quan tâm đến dịch vụ y tế khi tăng mức đóng bảo hiểm, đó là đòi hỏi của ngành bảo hiểm đối với ngành y tế. Thực tế cho thấy, thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều cải thiện về chất lượng dịch vụ, đặc biệt là thái độ nhân viên y tế đối với bệnh nhân “Chính sự thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế là lời cam kết cho việc trên”, đại diện BHXH Việt Nam nói.