Giám đốc bệnh viện không nhất thiết phải là giáo sư đầu ngành

Đời sống - Ngày đăng : 16:18, 16/09/2015

(HNMO) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị “Đẩy mạnh xã hội hóa và kết hợp công tư trong hoạt động khám, chữa bệnh theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15-12-2014 của Chính phủ” diễn ra ngày 16-9.


Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 2008 đến nay, cả nước đã có 610/760 bệnh viện (BV) từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, từng bước hoàn thành, đưa vào phục vụ bệnh nhân. Cùng với đó, nhiều BV đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong BV công bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp hoàn thành, đưa vào sử dụng sớm nhiều cơ sở y tế như: Viện Huyết học-Truyền máu trung ương, BV Răng Hàm Mặt trung ương TP Hồ Chí Minh, BV Trung ương Huế, BV Tai Mũi Họng trung ương, BV Hữu nghị Việt-Đức… từ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và giảm quá tải BV.

Ngoài ra, việc liên doanh, liên kết đã đạt được một số kết quả tích cực như phát triển nhiều kỹ thuật mới, trang bị được nhiều loại thiết bị hiện đại, tiên tiến như hệ thống PET.CT, CT-Scanner các loại (có cả loại 256, 128 và 64 lớp cắt), hệ thống cộng hưởng từ (MRI), máy gia tốc tuyến tính, các thiết bị tán sỏi ngoài cơ thể, mổ Phaco, siêu âm màu, máy xét nghiệm các loại... giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện, làm cho trình độ kỹ thuật về y tế của Việt Nam đang dần tiến bộ ngang với các nước tiên tiến trong khu vực. Người dân, trong đó có người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách, cũng được hưởng lợi vì được sử dụng các dịch vụ này, kể cả các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và được BHYT thanh toán.

Ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết trung ương cho biết, trước đây BV chỉ có một cơ sở ở Thái Thịnh rất chật chội, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn. Nhờ dự án đầu tư cơ sở 2 với việc huy động nguồn vốn khoảng 25% do Nhà nước cấp, 63% nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam và 12% các nguồn vốn khác, hằng ngày BV đã tiếp nhận khoảng 750-800 bệnh nhân đến khám ngoại trú và lượng bệnh nhân điều trị nội trú từ 550-600 bệnh nhân. Cơ sở 2 của BV có trang thiết bị hiện đại, khang trang, khám chữa bệnh và điều trị chất lượng cao, giảm bớt cảnh quá tải, nằm ghép cho người bệnh.

Mặc dù đã có sự quan tâm của Nhà nước, nỗ lực cố gắng của ngành y tế và toàn xã hội nhưng cơ sở hạ tầng của ngành y tế hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, hiện còn nhiều BV chưa được đầu tư. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư cho y tế dự phòng, hệ thống y tế cơ sở chưa đồng bộ, thiếu các cơ sở chăm sóc khám, chữa bệnh chuyên khoa và khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Một số đơn vị chưa sử dụng hợp lý các trang thiết bị y tế được đầu tư từ nguồn XHH, dẫn đến tình trạng cung ứng dịch vụ quá mức cần thiết. Còn có đơn vị chưa thực hiện đúng quy trình XHH theo các văn bản hướng dẫn, chưa quan tâm đầy đủ đến công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện quy chế dân chủ...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hạn chế, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hợp tác về quản lý, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế đang được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả khả quan. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ ký kết hợp tác với Ngân hàng Viettin Bank để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các BV công, tư và đổi mới hệ thống đào tạo, lựa chọn giám đốc các BV sao cho đủ năng lực về quản lý BV, điều hành kinh tế chứ không chỉ đặt ra yêu cầu giám đốc BV phải là bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư đầu ngành như hiện nay.

Để tiếp tục XHH và kết hợp công tư trong khám, chữa bệnh hiệu quả, Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) đề xuất, thời gian tới ngành y tế cần sớm thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vì hiện nay giá dịch vụ mới chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí; chỉ có tính đủ chi phí thì mới thúc đẩy và khuyến khích vay vốn để đầu tư, bình đẳng giữa trong và ngoài công lập, khuyến khích tham gia BHYT. Các BV phải từng bước thu hẹp các giường bệnh theo yêu cầu nằm rải rác ở các khoa hiện nay. Các hoạt động khám, chữa bệnh theo yêu cầu phải sử dụng vốn vay, vốn huy động, tổ chức thực hiện theo Nghị quyết 93 của Chính phủ, độc lập với khu vực khám chữa bệnh thông thường. Bên cạnh đó, các BV phải tính toán cụ thể các trang thiết bị nào cần sử dụng các nguồn vốn của BV (như: quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, ngân sách), trang thiết bị nào cần vay vốn, liên kết... để đạt hiệu quả cao nhất.

Xuân Dũng