"Nút thắt" cần khẩn trương tháo gỡ
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:46, 16/09/2015
Vì ý nghĩa quan trọng như thế nên các cấp ủy và chính quyền luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, chủ động sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, đưa chương trình ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Trong phong trào đó, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu, có nhiều cách làm mới, thu kết quả cao.
Tuy nhiên, khi bắt tay làm, mới thấy 19 tiêu chí nông thôn mới không phải địa phương nào cũng thu được kết quả khả quan như Hà Nội. Thế nhưng nhiều địa phương của Hà Nội cũng có những vướng mắc. Thực tế, rất nhiều địa phương đang phải đối mặt với không ít vấn đề nan giải, nhiều nơi không đạt được mục tiêu đề ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nguyên nhân chủ quan có, nguyên nhân khách quan cũng có. Có rất nhiều vấn đề cần điều chỉnh, thay đổi hoặc tháo gỡ. Với những địa phương nhiều sông ngòi, có đê điều, việc xây dựng nông thôn mới với các thôn, xã ngoài đê quả thật không đơn giản.
Ở nước ta, nhất là ở miền Bắc, có hàng trăm thôn xã ngoài đê, có thôn xã tồn tại hàng trăm năm, hàng nghìn năm nay với diện tích trồng trọt hàng chục nghìn mét vuông. Sống chung với sông ngòi, bà con nông dân ở các thôn xã này đã hình thành tập quán canh tác, thậm chí trồng cấy nhiều loại đặc sản phù hợp với hai mùa khô và lũ lụt. Về xã hội, họ thực hiện các nghĩa vụ công dân như đóng thuế, làm nghĩa vụ quân sự… như mọi đơn vị hành chính khác ở địa phương. Từ ngày có các công trình trị thủy, làm thủy điện, nước Sông Hồng, Sông Đà, Sông Lô ít khi tràn bờ, đời sống bà con càng dễ chịu hơn. Có điều ở các thôn xã ngoài bãi không được thực hiện quy hoạch giao thông nông thôn; không được xây dựng nhà cửa, các công trình hạ tầng kiên cố; không được cấp đất giãn dân, đấu giá quyền sử dụng đất...
Trong khi đó, để có đủ tiêu chí nông thôn mới là phải có nguồn vốn để quy hoạch thôn xóm, xây dựng đường giao thông, hệ thống kênh mương, các công trình hạ tầng, trường học, trạm xá, hệ thống điện ổn định… Chính vì điều đó, hàng trăm xã ven sông có thể không bao giờ đạt nông thôn mới trong khi đã đạt và vượt rất nhiều tiêu chí. Có xã nằm hoàn toàn ngoài đê Sông Hồng vì vướng Luật Đê điều, ngay trụ sở làm việc của Đảng ủy, chính quyền địa phương cũng chưa xây dựng được.
Nhiều địa phương ở Hà Nội cũng có hoàn cảnh tương tự, đến ngày 31-10-2013, toàn thành phố có 251 khu dân cư, diện tích hơn 224ha với 6.744 hộ dân và 30.177 nhân khẩu nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều; 197 khu dân cư, diện tích gần 2.855ha với 30.230 hộ dân và 129.567 nhân khẩu nằm trong chỉ giới thoát lũ. Đã có rất nhiều kiến nghị được đưa ra, hy vọng các cơ quan chức năng sớm có hướng tháo gỡ để các đơn vị này được xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng đủ tiêu chí để được công nhận là xã nông thôn mới. Nếu chưa gỡ được "nút thắt" liên quan đến các quy định của pháp luật, đời sống của người dân tiếp tục khó khăn, phong trào xây dựng nông thôn mới cũng bị ảnh hưởng.