Phát triển tài chính tiêu dùng: Tuyên chiến với tín dụng “đen”
Tài chính - Ngày đăng : 08:52, 15/09/2015
Ở châu Á, Malaysia cũng đã đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng 24% GDP. Những số liệu này cho thấy, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn là mảnh đất màu mỡ chưa được khai thác hết tiềm năng. Trong khi đó nếu thị trường này phát triển mạnh mẽ, hệ thống tín dụng “đen” chuyên cho vay nặng lãi chắc chắc sẽ không thể làm mưa làm gió.
Thiếu dịch vụ, tín dụng “đen” hoành hành
Với cụm từ khóa “Vay tiền không thế chấp” khi tìm kiếm qua Google, chỉ trong 0,05 giây đã cho thấy 968.000 kết quả. Tại những website tìm được đa phần quảng cáo về dịch vụ cho vay tiền đơn giản, nhanh chóng và không cần thế chấp. Thực tế này cho thấy, tín dụng đen đã len lỏi khá sâu vào cuộc sống hàng ngày của người dân. Song trái hẳn với những lời hoa mỹ được quảng cáo, đa phần người sử dụng các dịch vụ “Vay tiền không thế chấp” mà thực chất là dịch vụ tín dụng “đen” sẽ phải chịu một mức lãi suất cao ngất ngưởng, thậm chí sẽ rơi vào tình trạng “lãi mẹ đẻ lãi con” nếu không may lâm vào tình trạng khó khăn nhất thời về tài chính mà không thể thanh toán nợ đúng hạn.
TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội phân tích, tín dụng “đen” đang từng ngày, từng giờ tàn phá đời sống kinh tế xã hội, khiến cho nhiều gia đình kiệt quệ. Tuy nhiên, cực chẳng đã thì người dân mới phải vay tín dụng đen. Thế cho nên, dù pháp luật có quy định về các hình thức xử phạt, thậm chí bị truy tố trách nhiệm hình sự, nhưng nhu cầu trong đời sống vẫn còn thì nó vẫn tồn tại. Trên thực tế, các nhóm cho vay “tín dụng đen” không hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thủ tục giao dịch rất nhanh, đơn giản và cũng không cần tài sản thế chấp. Tuy nhiên, giai đoạn hậu cho vay, người dân sẽ phải gánh chịu rất nhiều hệ lụy lớn, như phải trả lãi suất rất cao, lãi mẹ đẻ lãi con và nhiều người khánh kiệt vì vay lãi kiểu này. Thống kê của Tổng cục Cảnh sát trong 5 năm trở lại đây cũng cho thấy, có tới 4.900 vụ việc liên quan tới tín dụng đen. Báo chí cũng đã đưa rất nhiều vụ việc người dân đi vay nặng lãi dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc, nhưng trên thực tế những vụ việc như vậy vẫn diễn ra, vì nhu cầu cần những khoản tiền nóng là khá nhiều.
Theo các chuyên gia tài chính, hệ thống tín dụng “đen” lâu nay làm ăn rất phát đạt bởi nhu cầu vay một khoản tiền trong thời gian ngắn của người dân cực lớn. Trong khi đó, để vay được tiền từ ngân hàng, người vay tiền sẽ phải đáp ứng khá nhiều điều kiện mà đa phần họ khó có thể đáp ứng được. Vì vậy nếu các ngân hàng giải quyết tốt vấn đề dịch vụ tài chính tiêu dùng, người dân có nhiều cơ hội tiếp cận các gói vay tín chấp (Vay không cần tài sản thế chấp), nhất là nhóm thu nhập thấp, qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời cũng góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính, giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, tạo nền tảng để các nhóm khách hàng này sử dụng những dịch vụ khác của ngân hàng. Việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cũng sẽ là một công cụ quan trọng kích cầu mua sắm và hỗ trợ tốt cho các kênh kinh doanh hàng hóa, từ đó duy trì sự ổn định sản lượng và tạo cơ hội việc làm cho nhiều người, gián tiếp đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế. Khi các dịch vụ tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh, mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều nhóm đối tượng, nhất là nhóm thu nhập thấp thì cũng đồng thời làm giảm mạnh nhu cầu vay tín dụng phi chính thức, góp phần ổn định đời sống xã hội, ngăn chặn từ xa những vụ việc đáng tiếc với mỗi gia đình.
Mảnh đất màu mỡ chờ khai phá
Thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại thị trường Mỹ đã vượt 3.000 tỷ USD (chiếm khoảng 20% GDP), chưa bao gồm dư nợ cho vay thế chấp nhà. Tại thị trường Đức, cho vay tiêu dùng cũng chiến tới 7,3% GDP; con số này ở Anh là gần 14% GDP; Pháp là khoảng 7% GDP… Tại châu Á, Malaysia là quốc gia đã đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng rất ấn tượng, với 24% GDP. Những con số này cho thấy tiềm năng phát triển tài chính tiêu dùng ở Việt Nam là rất lớn. Số liệu thống kê cuối năm 2013 cho thấy, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt khoảng 188.000 tỷ đồng (khoảng 5,2% GDP). Dù chưa có số liệu tổng dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức năm 2014, nhưng với tốc độ phát triển kinh tế ổn định thì dự báo, tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng chắc chắn sẽ có nhiều bứt phá. Theo dự báo của Viện Chiến lược Ngân hàng, tính bình quân 7 năm qua tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/ năm. Những số liệu ấn tượng trên củng cố vững chắc dự đoán cho vay tiêu dùng tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ vượt qua con số 10% GDP vào năm 2020.
Theo dự báo của các chuyên gia tài chính, Việt Nam có hơn 90 triệu dân, trong số đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn. Dân số Việt Nam được dự báo là sẽ tiếp tục tăng và đạt tới 100 triệu vào năm 2025, đó là con số hết sức thuận lợi cho kênh tài chính tiêu dùng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia đang phát triển, trở thành nền kinh tế có tốc độ phát triển ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Tình hình an ninh, chính trị của Việt Nam luôn ổn định, đó là yếu tố hết sức quan trọng để các nhà đầu tư đến với chúng ta nhiều hơn…Khi nền kinh tế phát triển ổn định và dự báo năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn tốt sẽ giúp cho tỷ lệ thất nghiệp giảm, người lao động có thu nhập ổn định. Từ nền tảng đó, kết hợp với yếu tố dân số trẻ có tỷ lệ lớn tập trung nhiều ở các khu vực thành thị ngày càng gia tăng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng để cải thiện cuộc sống, sẽ là điều kiện thuận lợi cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, việc xây dựng một hành lang pháp lý đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Các chuyên gia tài chính cho rằng, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho kênh tài chính tiêu dùng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn các các ngân hàng, các công ty tài chính hoạt động, tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh và thu hút được khách hàng tốt hơn. Hiện nay, các ngân hàng bị ràng buộc bởi khá nhiều quy định nhằm tránh rủi ro trong tín dụng, thì các công ty tài chính lại được tự do trong việc quyết định đối tượng, thời gian, lãi suất… Vì vậy, nếu điều chỉnh được vấn đề pháp lý thì các ngân hàng sẽ tạo ra nhiều dịch vụ thuận lợi hơn cho khách hàng. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng cũng là vấn đề cần tính đến. Bởi trên thực tế, nhiều khách hàng vẫn có thói quen không tìm hiểu hết các quy định, nghĩa vụ, ý thức trả nợ kém, nên có thể dẫn tới những mâu thuẫn giữa tổ chức tài chính và khách hàng. Một số người sử dụng dịch vụ thường chỉ có cái nhìn một chiều, chỉ muốn được hưởng lợi và né tránh trách nhiệm… Khắc phục được những bất cập này, thị trường tài chính tiêu dùng sẽ phát triển mạnh mẽ, qua đó kích cầu tiêu dùng và tạo động lực phát triển kinh tế.