Sự tiếp sức kịp thời

Trái tim nhân ái - Ngày đăng : 07:53, 15/09/2015

(HNM) - Chúng tôi đến xã Ba Trại, huyện Ba Vì vào những ngày đầu thu. Chưa kịp ngồi xuống ghế, Chủ tịch UBND xã Ba Trại Nguyễn Thị Son đã than: “Ba Trại còn nghèo quá nhà báo ạ. Xã có 10 thôn thì có tới 3 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn đang hưởng Chính sách 135!”.


Đồng đất của Ba Trại cằn cỗi quá, lại thiếu vốn sản xuất nên người dân Ba Trại chỉ canh tác một vài loại cây đặc thù kết hợp với chăn nuôi. Được tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ sản xuất không tính lãi từ Home Credit, người dân nơi đây mừng lắm, xem như được tiếp sức trên con đường dài.

Theo thống kê của UBND xã Ba Trại, toàn xã có hơn 2.000ha đất tự nhiên thì chỉ có 1.161ha đất canh tác mà chủ yếu chỉ canh tác được lúa; trồng chè, sắn, những loại cây cho giá trị kinh tế thấp. Chính vì vậy, nhiều năm nay, người dân Ba Trại vẫn phải loay hoay với bài toán thoát nghèo.

Trao tiền hỗ trợ giảm nghèo cho nông dân xã Ba Trại.


Theo bà Bạch Tố Uyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ba Trại, những năm gần đây, thành phố và huyện Ba Vì đã hỗ trợ rất nhiều cho Ba Trại nhằm giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu như chương trình vay vốn sản xuất, quy hoạch vùng và định hướng sản xuất những mặt hàng nông sản chuyên canh, có giá trị kinh tế cao như chè sạch thương hiệu Ba Vì, nuôi bò sữa, chăn nuôi hộ gia đình... Tuy nhiên, nguồn vốn được bố trí còn ít, nhiều hộ gia đình chưa có định hướng sản xuất rõ ràng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, do đó nhiều hộ vẫn chưa thể thoát nghèo. Toàn xã có 3.549 hộ thì có tới 1.763 hộ là dân tộc Mường, chiếm 49,6% và 238 hộ nghèo (6,7%), 242 hộ cận nghèo. Toàn xã có 10 thôn thì có tới 3 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn đang hưởng chính sách từ Chương trình 135.

Thống kê các chương trình hỗ trợ vốn sản xuất, bà Uyên cho biết, từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng trong hội phụ nữ toàn xã có 1.710 hội viên tham gia sinh hoạt hội tại 10 chi hội, 25 tổ phụ nữ, trong đó số hội viên phụ nữ nghèo là 142 hộ, chiếm 0,83%. Tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương dồi dào nhưng do thiếu vốn nên không thể triển khai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Hội phụ nữ được nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì, trong thời gian qua, các chương trình hỗ trợ vốn đã giúp được đa số hộ nghèo của địa phương được vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của chính sách để phát triển kinh tế nhưng lượng vốn cho mỗi gia đình vay còn thấp.

Đưa chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Liên, ở Thôn 8, bà Uyên cho biết, Thôn 8 là một trong ba thôn đặc biệt nghèo, đang thụ hưởng chính sách từ Chương trình 135. Cũng giống như nhiều hộ trong thôn, mặc dù rất chăm chỉ làm ăn nhưng cái nghèo vẫn cứ bám riết gia đình chị Liên. Lúc chúng tôi đến, hai vợ chồng chị đang đánh vật với đống vữa, cát để xây dựng chuồng bò. Kể với chúng tôi, chị Liên cho biết, gia đình chị đang lên kế hoạch nuôi bò và lợn thịt nên phải chuẩn bị chuồng trại. Được tiếp nhận nguồn vốn từ Home Credit, anh chị sẽ có thêm một nguồn vốn dự trữ để mua thức ăn cho bò và lợn. Hy vọng với sự giúp đỡ từ Home Credit, đàn gia súc nhà chị sẽ tận dụng được nguồn lao động tại chỗ để phát triển kinh tế gia đình nhanh hơn.

Khó khăn hơn nhà chị Liên, gia đình chị Đào Kinh Dung nhiều năm nay phải sống trong căn nhà tạm bợ mà chưa có cách thoát nghèo. Chồng chị Dung là anh Lương Tuấn Hoàn khi đang làm thợ xây dưới Hà Nội đột nhiên thấy nhức mắt, không nhìn thấy ánh sáng. Vội tới bệnh viện thăm khám, các bác sĩ cho biết, anh bị teo gai đáy mắt do đó thị lực giảm sút chỉ còn 5%. Đưa chồng đi chữa trị khắp các bệnh viện mà bệnh tình không giảm, chị Dung đành đưa chồng về nhà, hằng ngày anh chỉ quanh quẩn trong nhà. Cũng từ đó, kinh tế gia đình cứ sa sút dần. Chị Dung cho biết, hiện nay hai đứa con đã lớn, một cháu đang học lớp 11, một cháu đang học lớp 5 nên kinh tế càng khó khăn. Nếu không có hướng thoát nghèo, các cháu sẽ mất cơ hội tiếp tục học tập và cái nghèo sẽ trở thành vòng luẩn quẩn. Do đó, được tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi của Home Credit, chị sẽ đầu tư trồng cỏ và nuôi bò để các con có thể phụ giúp bố mẹ phát triển kinh tế gia đình.

Chị Liên, chị Dung chỉ là hai trong số 10 gia đình được Home Credit hỗ trợ vốn. Nói như chị Nguyễn Thị Kim Xuyến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thôn 8, nghèo thì nuôi bò đẻ, giàu thì nuôi bò sữa; nguồn vốn dù nhiều hay ít nếu biết cách vận dụng thì kinh tế vẫn có thể phát triển được. Hy vọng với nguồn vốn từ Home Credit, dù còn ở mức khiêm tốn nhưng sẽ là một sự khởi đầu tốt đẹp với người dân xã Ba Trại, vì một mục tiêu thoát nghèo.

Bảo Châu - Vân Nga