Phát huy phẩm chất người lính trong thời bình

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:50, 15/09/2015

(HNM) - 5 năm qua, cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) TP Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu đóng góp không nhỏ thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế của Đảng, Chính phủ và Thủ đô.


Hội viên CCB đã tích cực tìm tòi, học tập nhiều mô hình áp dụng KHKT, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất; mạnh dạn liên doanh, liên kết để tìm thị trường phù hợp; làm giàu chính đáng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Làm giàu cho bản thân và xã hội

Hà Nội có gần 48% hội viên (khoảng 117.400 hội viên CCB) không được hưởng lương, phụ cấp, chế độ trợ cấp khi rời quân ngũ. Đây là khó khăn và cũng là động lực giúp CCB phát huy các phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Phó Chủ tịch Hội CCB TP Hà Nội Phạm Quang Tiềm cho biết, từ khi có các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết của Thành ủy, nhất là Chương trình số 24/CTr-TU ngày 19-9-2013 của Thành ủy về kinh tế tập thể, CCB thành phố đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm chủ nhiều mô hình sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của thành phố.

Để động viên hội viên tích cực tham gia phát triển kinh tế, Hội đã nghiêm túc triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế tới các cấp hội, cán bộ, hội viên. Các hình thức phát triển kinh tế được tổ chức đa dạng, phong phú, tập trung vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, sản xuất kinh doanh giỏi. Trong 5 năm (2011 - 2015), Thường trực Hội CCB thành phố đã chỉ đạo các cơ sở hội căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để xây dựng và tổ chức các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp. Tại địa phương, được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, các cấp hội đã phát huy tốt vai trò CCB, tích cực tìm nguồn vốn đầu tư, vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho CCB nghèo và con cháu…

Cựu chiến binh Giang Biên tham quan trang trại chuyển đổi cơ cấu cây trồng của một hội viên.Ảnh: bảo lâm


Với suy nghĩ phải làm gì và làm như thế nào để ổn định cuộc sống, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo đã hỗ trợ đắc lực cho CCB thoát nghèo. Trong đó, mô hình "Ngân hàng bò sinh sản" ở các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thường Tín; CLB "Làng lính đa canh" Ứng Hòa, CLB VAC ở huyện Thường Tín… đã hoạt động rất hiệu quả, giúp CCB hỗ trợ lẫn nhau về con giống, kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, quản lý… Từ phong trào này, CCB Nguyễn Duy Hồng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (Hoài Đức) đã thành lập và phát triển doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 140 đến 160 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 170 lao động với mức lương hơn 5,7 triệu đồng/tháng; CCB thương binh Đỗ Đình Ngô (ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức) với trang trại ấp trứng gà, nuôi gà, doanh thu hàng năm hơn 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 20 lao động có mức lương 6 triệu đồng/tháng; CCB thương binh Phạm Văn Mộc (ở xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) nuôi trồng nấm, mộc nhĩ VAC, mỗi năm thu hoạch 24 tấn nấm tươi, hàng tấn mộc nhĩ khô cung cấp cho thị trường... Từ thành công của các CCB này, hội viên đã nỗ lực học tập, làm theo.

Tương trợ giảm nghèo

Truởng ban Kinh tế (Hội CCB thành phố) Nguyễn Hồ Phấn cho rằng, từ các mô hình sản xuất - kinh doanh, Hội đã tập hợp được nhiều nguồn lực trong xã hội, tạo điều kiện giúp đỡ được nhiều hộ CCB nghèo. Trong 5 năm qua, quỹ nội bộ CCB đã cho vay sản xuất kinh doanh 183,329 tỷ đồng. Các cấp hội đã tổ chức truyền thông, vận động hội viên thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tổ chức giới thiệu sản phẩm chất lượng cao do các DN của CCB sản xuất. Nhiều sản phẩm, hàng hóa của CCB đã có thương hiệu, được người tiêu dùng lựa chọn như may mặc, da giày, khảm trai của CCB Phú Xuyên; thịt gà, bò, lợn của Ba Vì, Sóc Sơn; đồ gỗ của CCB Hoài Đức, Thường Tín, Đông Anh; sản phẩm mây tre đan xuất khẩu của CCB Quốc Oai… Ngoài ra, Hội còn vận động được hàng nghìn tỷ đồng vốn vay lãi suất thấp, xóa hàng trăm nhà dột nát, tạo gần 200.000 việc làm cho CCB và con em CCB. Từ năm 2012 đến năm 2014, các cấp hội đã giảm được từ 15-20% hộ nghèo và cận nghèo. Đến tháng 6-2015, toàn thành phố còn 1.517 hộ CCB nghèo (0,62%) và 3.084 hộ CCB cận nghèo (bằng 1,25% tổng số hội viên)…

Phát huy truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận phát triển kinh tế, đội ngũ CCB sản xuất, kinh doanh giỏi của Thủ đô đã hỗ trợ xây dựng nhiều công trình văn hóa, đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ nghĩa tình đồng đội, Quỹ khuyến học, Quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào gặp thiên tai… góp phần làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn, đô thị, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người lao động. Thông qua hoạt động phát triển kinh tế, vị thế của Hội CCB thành phố đã được nâng cao, bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” được giữ vững và phát huy, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Đến nay, Hội CCB TP Hà Nội đã tổ chức được hơn 100 tổ HTX, tổ sản xuất; 27 HTX; 403 doanh nghiệp vừa và nhỏ; 155 công ty TNHH; 40 công ty cổ phần; 2.000 trang trại, gia trại; 5 tổng công ty do hội viên CCB làm chủ, thu hút 129.100 lao động là CCB và con em CCB, cựu quân nhân, người lao động... Thu nhập của các mô hình kinh tế tập thể của CCB đạt hàng nghìn tỷ đồng, đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách của địa phương và thành phố.

Linh Chi