Tăng giá và vấn đề trách nhiệm
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:37, 15/09/2015
Như vậy với mức giá mới, 10m3 nước sạch đầu tiên được sử dụng, người dân sẽ phải trả thêm gần 7.000 đồng. Thoạt nghe việc điều chỉnh tăng hơn 20% so với biểu giá cũ là lớn, nhưng thực tế với mức tăng đó số tiền hằng tháng người dân phải trả thêm không nhiều, không tác động lớn tới đời sống sinh hoạt. Bên cạnh đó, chủ trương tăng giá nước sạch trên địa bàn Hà Nội cũng đã được trình HĐND thành phố và được UBND thành phố cho phép từ tháng 3-2013, với mức điều chỉnh phù hợp, theo lộ trình 3 năm liên tiếp nhằm tránh sự đột biến trong việc tăng các chi phí sinh hoạt của người dân và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.
Nhìn chung, chủ trương điều chỉnh mức giá nước sạch và mức tăng cụ thể là thỏa đáng, không có gì phải bàn cãi. Song vấn đề là, việc tăng giá bán nước sạch những năm gần đây diễn ra trong bối cảnh hoạt động cung cấp nước sạch tại Hà Nội có không ít trục trặc. Cụ thể, hệ thống dẫn nước Sông Đà của VIWACO đã có tới 13 lần vỡ, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân trong nhiều ngày. Nhiều cán bộ đã bị xử lý vì vấn đề này và bản thân doanh nghiệp cũng đang phải tìm nhiều giải pháp để ngăn sự cố tái diễn…
Một thông tin khác cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư của các “thượng đế”, đó là theo thông tin của một tờ báo, mỗi ngày trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 490.000m3 nước sạch bị thất thoát (chiếm 30,66% tổng công suất cấp nước sạch), tương ứng khoảng 490.000m3/ngày. Nếu lấy mức giá nước sạch thấp nhất mà Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) đang bán cho người dân là 5.300 đồng/m3 x 490.000m3/ngày thì có thể thấy mỗi ngày TP Hồ Chí Minh thất thoát số tiền khoảng 2,6 tỷ đồng và số lượng nước sạch thất thoát mỗi năm lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Được biết, thời gian vừa qua, SAWACO đã triển khai nhiều dự án nhằm giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch nhưng kết quả thu được hết sức hạn chế. Cụ thể cuối năm 2013, tỷ lệ thất thoát nước sạch là 34,03% thì đến tháng 6 năm nay, tỷ lệ này cũng chỉ mới giảm xuống 30,66%. Qua phân tích, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất thoát nước sạch vẫn còn cao là do gian lận nước sạch và do hệ thống đường ống cấp nước quá cũ dẫn đến rò rỉ, hoặc do thi công, lắp đặt công trình ngầm làm hư hỏng… Tóm lại, có lỗi quan trọng xuất phát từ việc quản lý yếu kém của đơn vị chủ quản. Làm ăn như thế, thua lỗ không có gì là lạ, nhưng điều khiến người dân TP Hồ Chí Minh bức xúc là hàng trăm nghìn mét khối nước sạch thất thoát mỗi ngày lại được tính vào giá nước bán cho người dân, còn hoạt động của SAWACO hằng năm vẫn có lãi đều đều.
Đại loại chuyện ở TP Hồ Chí Minh là vậy.
Với việc tăng giá từng mặt hàng, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu trong đời sống, không phải người dân không sẵn sàng sẻ chia những khó khăn với Nhà nước, doanh nghiệp, vấn đề là cần công khai, minh bạch lý do, nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá; người dân không thể trả tiền cho sự yếu kém trong công tác quản lý, điều hành mà đó chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất thoát, lãng phí. Cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị đối với từng vấn đề cụ thể chứ không thể… “bình chân như vại” rồi để người dân è cổ ra gánh chịu hậu quả thông qua việc tăng giá.