Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Sự đảo chiều ngoạn mục

Kinh tế - Ngày đăng : 06:26, 14/09/2015

(HNM) - Tình hình đầu tư nước ngoài đã có sự đảo chiều trong tháng 8, lập tức xóa bỏ tâm lý lo ngại là liệu kết quả thu hút vốn có kịp cải thiện và đạt kế hoạch của cả năm 2015 hay không.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 8, tổng vốn ĐTNN (gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 13,33 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả rất tích cực, chủ yếu nhờ sự đóng góp của dự án trị giá 3 tỷ USD của Tập đoàn Samsung vừa được cấp phép. Cũng nhờ đó, tình trạng kết quả thu hút vốn ĐTNN thấp hơn so với cùng kỳ diễn ra liên tục trong 7 tháng đầu năm đã chấm dứt. Các chuyên gia nhấn mạnh, việc xuất hiện của một dự án có quy mô rất lớn như trên có ý nghĩa rất quan trọng, cho thấy sức hút mạnh mẽ và niềm tin của giới đầu tư đối với thị trường Việt Nam. Cần biết rằng số vốn 3 tỷ USD lớn như thế nào, khi quy mô về vốn trung bình của một dự án ĐTNN hiện chỉ ở mức khoảng 20 triệu USD/dự án. Bên cạnh đó, hàng vạn việc làm cũng như nguồn thu cho ngân sách địa phương sẽ được tạo ra trong tương lai gần.

Lắp ráp điện thoại tại Công ty Samsung Việt Nam. Ảnh: Hải Anh


Đáng lưu ý, sự xuất hiện của dự án trên cùng một số dự án khác diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư quốc tế đang quan tâm, tìm hiểu cơ hội và triển khai dự án cụ thể tại Việt Nam - nơi được đánh giá là có tiềm năng và sức hút hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Đơn cử, mới đây đoàn doanh nghiệp (DN) Mỹ tại Singapore đã sang thăm Việt Nam và đại diện của đoàn này khẳng định DN nước này luôn có nhu cầu mở rộng đầu tư ở khu vực, trong đó xác định Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn, đáng tìm hiểu để đi đến những quyết định đầu tư thật sự. Đây cũng là hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành nhà đầu tư số 1 của cộng đồng DN Mỹ tại Việt Nam.

Thêm vào đó, một số chuyên gia cũng kỳ vọng hơn vào kết quả thu hút vốn ĐTNN trong năm nay khi vẫn còn một số dự án quy mô rất lớn đang trong quá trình thẩm định, bàn thảo để đi đến quyết định. Đó là một vài dự án thuộc lĩnh vực năng lượng như xây dựng nhà máy điện, khu kinh tế tổng hợp và nhà máy lọc dầu. Đương nhiên, chỉ cần có thêm một dự án thuộc hàng "khủng" như vậy được cấp phép thì kết quả thu hút vốn ĐTNN sẽ tiếp tục tăng vọt, là điều kiện tiếp sức cho nền kinh tế phát triển nhanh hơn. Đặc biệt, cần nhấn mạnh thực tế đã có gần 400 lượt dự án ĐTNN đang hoạt động đăng ký xin tăng vốn trong 8 tháng qua, với tổng vốn tăng thêm là 5,46 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này thể hiện sức hút của môi trường đầu tư thông qua tâm lý an tâm, mong muốn làm ăn lâu dài, gắn bó với thị trường Việt Nam của cộng đồng ĐTNN.

Dự báo về khả năng thu hút vốn ĐTNN của Việt Nam trong ngắn hạn, các tổ chức quốc tế cho rằng, vẫn còn nhiều "dư địa" để nhà đầu tư thực hiện các dự án, đặc biệt là một số lĩnh vực quan trọng, có thời gian sinh lãi nhanh, như thiết lập hệ thống phân phối, bán lẻ và dự án kinh doanh bất động sản. Ở thời điểm hiện tại, những dấu hiệu về sự khởi sắc, ấm dần lên của làn sóng xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng tổng hợp, hạ tầng du lịch và khách sạn cao cấp đang ngày một rõ rệt hơn dọc khu vực Duyên hải miền Trung và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, một số nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu để tham gia một số dự án thuộc lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, xây dựng hạ tầng giao thông… Tóm lại, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đang và sẽ thể hiện tầm quan trọng, những đóng góp to lớn vào nền kinh tế, đặc biệt là sẽ chiếm tỷ trọng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 25% tổng mức đầu tư phát triển xã hội.

Các chuyên gia nhận định, với tình hình xuất khẩu không mấy khả quan, sản xuất công nghiệp cũng chưa đồng đều, trong khi nông nghiệp tăng trưởng ở mức thấp thì rất có thể kết quả thu hút vốn ĐTNN sẽ là điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Việt Nam trong năm 2015.

Hồng Sơn