Tiền trường đầu năm: Bao giờ thôi trăn trở?
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:12, 12/09/2015
Theo phản ánh từ các nhà trường, để đáp ứng yêu cầu hiện nay, các trường phải tổ chức khá nhiều hoạt động giáo dục, cả nội khóa và ngoại khóa. Trong khi đó, ngân sách chi cho các hoạt động thường xuyên hạn chế. Vì thế, trong các nhà trường, ngoài khoản thu quy định còn có khoản thu ngoài quy định, nhưng là khoản thu hợp lý, được huy động từ nguồn đóng góp của cha mẹ học sinh (HS) nhằm phục vụ cho việc học tập của con em tại trường, như phục vụ bán trú (gồm tiền ăn, trang thiết bị, chăm sóc bán trú), nước uống, học 2 buổi/ngày, quần áo đồng phục…
Ngoài ra, còn có khoản thu nhằm hỗ trợ nhà trường trong việc sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học. Với cương vị là phụ huynh, có hai con đang học cấp phổ thông, tôi hoàn toàn ủng hộ những chủ trương của ngành Giáo dục khi huy động các nguồn lực để các con được học tập trong điều kiện tốt nhất. Thế nhưng, trên thực tế, để hợp thức hóa các khoản thu, không ít các nhà trường đã tự đặt ra các khoản thu mang danh nghĩa tự nguyện, điều đáng nói là danh mục các khoản thu này mỗi năm lại được bổ sung và đôi khi lại có các khoản na ná nhau. Ví dụ, đã có khoản tiền khuyến học, lại có khoản thu hỗ trợ HS nghèo, thưởng HS giỏi; đã có khoản hỗ trợ an ninh, lại thêm cả khoản tiền bảo vệ, gửi xe trong trường…
Và để đạt được sự tự nguyện, có nơi đã làm tắt quy trình, hoặc tìm cách ép buộc để phụ huynh... phải tự nguyện. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, mới đây, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã cho công bố công khai danh mục gồm 10 khoản thu ngoài học phí được phép triển khai trong nhà trường. Điều đáng nói, danh mục này đã có từ năm 2013, theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc ở các nhà trường.
Phản ứng của phụ huynh về mức đóng BHYT năm nay quá cao cũng có phần trách nhiệm từ ngành Giáo dục. Tôi cho rằng, dù là thực hiện theo luật, nhưng với sự điều chỉnh mới, mức tăng không ít (từ 3% lên 4,5% mức lương cơ bản), liên quan đến nhiều triệu gia đình có con đang ở tuổi đi học, nội dung này nên được phổ biến kỹ tại cuộc họp phụ huynh đầu năm học để có thể giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh, chứ không nên phát một tờ thông báo gửi cho HS đem về nhà như các trường đã làm.
Để các khoản tiền trường đầu năm không còn là mối trăn trở, bức xúc của phụ huynh, theo tôi có hai điều mà các cấp quản lý có thẩm quyền cần quan tâm trong công tác chỉ đạo, giám sát và xử lý các hành vi sai phạm về thu chi tại các nhà trường hiện nay.
Thứ nhất là tăng cường huy động sự giám sát của phụ huynh, các lực lượng xã hội trong việc thực hiện quy trình xã hội hóa nhằm bảo đảm công khai, minh bạch. Nếu biết đồng tiền mình đóng góp được sử dụng đúng mục đích, thì chắc chắn, không có phụ huynh nào phản ứng khi được huy động xã hội hóa.
Thứ hai, chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. Năm nào cũng có trường hợp vi phạm về thu chi, nhưng khi bị phát hiện, mức phạt nặng nhất dành cho hiệu trưởng cũng chỉ là phê bình nghiêm khắc, trả lại khoản thu sai. Còn điều nữa, như Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống từng trả lời trước báo chí, thì hiệu trưởng, với trách nhiệm người đứng đầu phải biết chịu trách nhiệm với mọi diễn tiến xảy ra tại đơn vị, không thể mỗi khi có sai phạm lại đổ lỗi là do ban đại diện cha mẹ HS.