Một năm giảng dạy tài liệu giáo dục bình đẳng giới: Nhiều chuyển động tích cực

Giáo dục - Ngày đăng : 06:41, 12/09/2015

(HNM) - Trong khuôn khổ của dự án


Tính đến thời điểm này, việc giảng dạy bộ tài liệu tại các nhà trường đã được một năm học. Đây là khoảng thời gian không dài, nhưng những chuyển động tại các nhà trường, từ phía học sinh, giáo viên và nhiều bậc cha mẹ học sinh, đã cho thấy những tác động tích cực của bộ tài liệu.

Theo thống kê, đã có gần 5 nghìn tiết giảng về giáo dục bình đẳng giới được triển khai tại các trường THCS và THPT tham gia dự án. Ghi nhận thực tế và đánh giá tổng hợp của Ban điều hành dự án cho thấy đã có nhiều chuyển động ở từng nhà trường, cả về nhận thức và hành vi.

Tại mỗi trường đều đã thành lập nhóm lãnh đạo trẻ - bộ phận được coi như những nhân tố thúc đẩy sự lan tỏa của những sáng kiến truyền thông về vấn đề bạo lực nói chung và bạo lực trên cơ sở giới nói riêng, góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi tư duy của bạn bè trong lớp, trong trường và tại mỗi gia đình. Mô hình phòng tham vấn tâm lý cũng đã được thiết lập tại các nhà trường, kịp thời hỗ trợ và xử lý hàng nghìn ca rắc rối liên quan đến các loại bạo lực như bắt nạt, bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần…

Học sinh Trường THCS Cổ Loa (Đông Anh) xem phim truyền thông về bình đẳng giới - sản phẩm do nhóm lãnh đạo trẻ của trường dàn dựng.


Đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ tài liệu tại các nhà trường đều có những phản hồi tích cực. Cô giáo Nguyễn Thị An Thái, Trường THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai) cho rằng việc đưa vào giảng dạy nội dung giáo dục bình đẳng giới, trong đó có việc trang bị kỹ năng phòng, chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại các trường phổ thông là phù hợp và cần thiết, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Tài liệu đã giúp các em hiểu và phân biệt được các hình thức bạo lực có thể là dọa dẫm, nhục mạ, bắt ép người khác làm những việc mình muốn… chứ không chỉ đơn thuần là đấm đá như trước. Cũng vì thế mà các em biết cách phòng, chống từ đầu để ngăn chặn hoặc hạn chế bạo lực xảy ra, hoặc biết cách tìm kiếm sự hỗ trợ của người lớn khi gặp sự cố. Là người có thâm niên làm công tác chủ nhiệm, cô giáo Đặng Ánh Tuyết, chủ nhiệm lớp 12B3, Trường THPT Chu Văn An nhận xét: Những giờ học về giáo dục bình đẳng giới không chỉ lôi cuốn học sinh bởi cách tiếp cận vấn đề gần gũi, tạo điều kiện cho các em được tự tin chia sẻ, mà còn góp phần tạo môi trường bình đẳng, an toàn. Việc đưa vào giảng dạy tài liệu này trong nhà trường còn tạo cơ hội để cô, trò và phụ huynh gắn kết với nhau hơn, có trách nhiệm hơn trong việc cùng tạo dựng một môi trường an toàn, thân thiện. Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn thêm nhiều trường có cơ hội tiếp cận nội dung này.

"Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 với sự tài trợ của Quỹ ủy thác của Liên hợp quốc. 

Thống Nhất