Hai ngành hàng không và du lịch: Thiếu sự phối hợp nhịp nhàng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:29, 12/09/2015
"Cánh tay nối dài" của du lịch...
Thời gian qua, hoạt động vận chuyển hàng không của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam cũng như sự bùng nổ của khách nội địa. Năm 2014, lượng khách nội địa đạt 38,5 triệu lượt, khách quốc tế đạt 7,87 triệu lượt, trong đó lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không đạt hơn 6,22 triệu lượt.
Lượng khách quốc tế đến cao là yếu tố thúc đẩy các hãng hàng không nước ngoài đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam cũng như tăng cường hợp tác mở các đường bay trực tiếp tới các nước là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Vài năm trở lại đây, nhiều chương trình kích cầu du lịch kết hợp với hàng không được triển khai đã thúc đẩy hoạt động du lịch nhờ sự ưu đãi về giá và dịch vụ. Ví dụ, tại các kỳ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội năm 2013, 2014, 2015, hàng chục vạn vé máy bay giá rẻ đã được bán cho khách du lịch.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành Hàng không và Du lịch mang lại lợi ích cho cả hai phía.Ảnh: Bảo Lâm |
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch hàng không thông qua hình thức thuê bao chuyến máy bay từ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc... qua Sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh đã được khai thác hiệu quả, tạo ra sự tăng trưởng đột phá về khách từ các thị trường này đến Việt Nam. Một số phương tiện đường hàng không mới được đưa vào khai thác, góp phần tạo ra các sản phẩm mới, tăng sức hút đối với điểm đến, như: Dịch vụ tham quan bằng thủy phi cơ, trực thăng, khinh khí cầu... Mới đây nhất, Công ty cổ phần Liên doanh đầu tư quốc tế KLF cùng với đối tác là Công ty Trực thăng miền Bắc đã ra mắt dịch vụ máy bay du lịch bằng trực thăng EC 130 T2, lần đầu tiên xuất hiện tại miền Bắc Việt Nam...
Về phía mình, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các hãng hàng không đang khai thác thị trường tại Việt Nam triển khai các hoạt động tiếp cận, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiếp thị, quảng cáo thu hút khách du lịch gồm: Hợp tác đón các đoàn famtrip, presstrip, tăng cường cung cấp thông tin du lịch, vui chơi giải trí tại Việt Nam và hợp tác xây dựng các gói tour ưu đãi, mở đường bay mới.
... Nhưng vẫn "thiếu ăn ý"
Theo bà Nguyễn Thị Tiến Hào, Giám đốc Lữ hành Phương Nam Sun Travel, vé máy bay ở Việt Nam tương đối đắt nên nhiều khi tour thành công hay thất bại phụ thuộc rất lớn vào yếu tố này. Mặt khác, nếu như trước đây, các hãng hàng không giá rẻ và Vietnam Airlines có chế độ tính giá theo đoàn riêng cho khách nội địa thì hai năm gần đây, với vận chuyển nội địa, giá vé theo đoàn được các hãng hàng không bán như mức giá phổ thông. Chỉ khác một chút là với loại vé này, lữ hành được giữ code cho đoàn, khi nào có danh sách tên khách hàng thì gửi sau.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet cũng chia sẻ, các hãng hàng không thường kích cầu vào mùa thấp điểm, lúc đó tour rất khó bán nên hiệu quả không cao. Hiện nay, nguy cơ lớn nhất với các hãng lữ hành là các hãng tự bán vé máy bay giá rẻ trực tiếp ở trên mạng. "Chúng tôi phải tính tiền vé máy bay, khách sạn để xây dựng một tour trọn gói cộng với một chút lãi thì giá của nó lại cao hơn so với số tiền khách đặt vé máy bay và khách sạn ở trên mạng.
Ví dụ, hàng không bán cho lữ hành vé đi Phú Quốc trên 4 triệu, so với 5 triệu vé lẻ là tốt nhưng sau đó họ lại đưa ra mức vé khuyến mãi cho khách trực tiếp có khi chỉ 3 triệu. Tất nhiên số lượng vé như vậy không nhiều nhưng cũng làm ảnh hưởng tới lữ hành", ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết. Mặt khác, việc các hãng hàng không thường xuyên chậm giờ cũng khiến lữ hành lao đao. Khi chuyến bay bị chậm sẽ khiến chương trình tour bị ảnh hưởng theo. Để tham quan đủ điểm, những ngày sau đó, lữ hành phải dồn chương trình nên khách khó chịu. Và khi phải chờ quá lâu ở sân bay thì lữ hành phải bỏ kinh phí lo ăn uống, ngủ, nghỉ cho khách. Tất nhiên, khi bị chậm giờ, các hãng hàng không cũng đền bù, nhưng không đáng là bao so với chi phí lữ hành bỏ ra.
Bà Lâm Thái Hiền, đại diện Công ty Du lịch Việt cho biết, lữ hành còn gặp rất nhiều khó khăn khi hàng không thiếu hợp tác. Cách xử lý của Thai Air Asia sau vụ nổ bom ở Bangkok là một ví dụ. Cụ thể, sau khi xảy ra sự việc trên, Hãng Hàng không Thai Air Asia không cho các công ty du lịch hợp tác với hãng này hủy tour trong các ngày từ 17-8 đến 24-8, nếu hủy, các công ty du lịch sẽ mất tiền vé máy bay. Các công ty chỉ có thể lùi thời gian tổ chức những tour trên nhưng buộc phải trả thêm cho Thai Air Asia 35 USD trên một khách, cộng thêm phí chênh lệch giá vé máy bay ở thời điểm mới. Trong khi đó, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air đều quyết định cho các công ty du lịch Việt Nam dời miễn phí tour từ ngày 17-8 đến 18-9 sang đầu năm 2016. Một số hãng còn hoàn lại tiền vé máy bay đối với các tour bị hủy trong thời gian trên.
Từ thực tế nêu trên, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, để du lịch phát triển, đã đến lúc các hãng hàng không và công ty lữ hành cần hợp tác chặt chẽ và phối hợp ăn ý hơn nữa thì mới đem lại lợi ích chung cũng như sự phát triển bền vững của cả hai bên.