Bài 2: Nhiều lý do để… chậm trễ
Xã hội - Ngày đăng : 07:48, 11/09/2015
Phối hợp chưa nhịp nhàng
Mặc dù bước đầu đã hình thành cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực và cơ sở pháp lý xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng sự phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương với địa phương trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, hiệu quả; việc thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức, được coi là nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả không như mong muốn.
Công ty thuốc lá Thăng Long, một trong những cơ sở phải di dời do gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Bùi Tuấn |
Ở TP Hà Nội, theo lãnh đạo Sở TN&MT, thời gian qua thành phố rất quan tâm đến lĩnh vực này, HĐND thành phố có nghị quyết chuyên đề, UBND thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện. Nhưng do yếu tố khách quan, lãnh đạo UBND thành phố phụ trách lĩnh vực này thay đổi liên tục, việc thực hiện bị ngắt quãng vì mỗi khi thay thế, lãnh đạo lại cần có thời gian nghiên cứu, xem xét vụ việc lại từ đầu.
Bên cạnh đó, thành phố cũng không thống nhất ngành tham mưu cụ thể, trước năm 2011 giao Sở TN&MT làm cơ quan đầu mối; sau năm 2011 thì giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH&KT) làm đầu mối và đến nay giao lại cho Sở TN&MT. Mỗi lần bàn giao cơ quan chủ trì, tham mưu lại mất một khoảng thời gian tiếp nhận, xem xét quá trình từ đầu, tốn nhiều thời gian, công sức. Cũng chính việc thiếu thống nhất cơ quan tham mưu, "thủ lĩnh" thay đổi… nên việc di dời các cơ sở ô nhiễm và không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn Hà Nội vẫn chỉ là "ăn đong" từ sự chủ động của doanh nghiệp chuyển đổi theo Thông tư 81 của Bộ Tài chính.
Ngoài thay đổi bộ máy, nguyên nhân của việc chậm tiến độ di dời tại Hà Nội được Sở TN&MT nhận định là do cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn bất cập, chưa khuyến khích được doanh nghiệp tự nguyện, tích cực chuyển đổi ngành nghề. Một số doanh nghiệp còn có tâm lý "ngại" di chuyển, vì đến nơi mới, phải đầu tư dây chuyền sản xuất mới, công nghệ tiên tiến...; nguồn lực của Nhà nước dành đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại nơi di chuyển đến cũng còn hạn chế…
Ngoài ra, một số cơ sở là doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, khó khăn về kinh phí di dời. Chưa kể số lượng người lao động lớn, nếu di chuyển sẽ dẫn đến xáo trộn trong sản xuất hoặc công nhân phải đi làm xa, có thể phải nghỉ làm. Việc hỗ trợ lao động dôi dư, ngừng việc như thế nào khi di dời cũng chưa có hướng dẫn cụ thể… Từ đó, dẫn đến tâm lý "ngại" và tiến độ thực hiện di dời không bảo đảm.
Yếu tố nữa là công tác thông tin tuyên truyền đến doanh nghiệp về việc thực hiện chủ trương này ở Hà Nội còn yếu, nhiều đơn vị là đối tượng di dời không nắm được thông tin, lộ trình di dời… Đơn cử như Công ty Cao su Sao Vàng được quận Thanh Xuân đưa vào danh sách phải di dời, nhưng lãnh đạo công ty lại khẳng định mới "nghe nói" là có chủ trương di dời. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất, công ty này đã chủ động lập kế hoạch di dời, nhưng đến nay mới xong báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo đại diện công ty, việc di dời đòi hỏi kinh phí lớn, mặt bằng rộng… nên tiến độ còn chậm, chưa thực hiện được ngay.
Tâm lý "chờ" chính sách
Thực tế, thời gian qua việc triển khai di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch tại Hà Nội "chạy" lòng vòng. Ngay cả việc lập danh mục ngành nghề gây ô nhiễm đến nay vẫn chưa rõ tiêu chí cụ thể (danh mục xác định 17 ngành nghề ô nhiễm phải di dời tham khảo từ kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh). Trong khi đó, Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở trong nội thành cũng không quy định mốc thời gian phải hoàn thành… khiến các sở, ngành chức năng của TP Hà Nội lúng túng trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện.
Ông Mai Xuân Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý công sản (thuộc Sở Tài chính) cho biết, cơ chế hỗ trợ di dời đầu tiên thực hiện theo Quyết định 64/QĐ-TTg, sau đó đến Quyết định 86/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nay là Thông tư 81/TT-BTC của Bộ Tài chính vẫn đang rất vướng. Trong đó, có quy định lấy tiền sử dụng đất vị trí cũ để hỗ trợ tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời đến nơi mới. Tuy nhiên, một số vị trí lại đề xuất ưu tiên diện tích sau khi di dời làm công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội… sẽ không thu được tiền để hỗ trợ di dời và còn chưa tính đến việc hỗ trợ lao động dôi dư. Ông Vinh thông tin thêm, có bộ còn đề xuất bố trí đơn vị có chức năng, bộ máy giống như đơn vị phải di chuyển… khiến cho việc thực hiện càng chậm, chồng chéo.
Cũng theo ông Mai Xuân Vinh, thực trạng hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong diện phải di dời đều mong muốn chuyển đổi xây dựng trung tâm thương mại kết hợp căn hộ. "Họ rất cần thông tin, sau di dời sẽ thực hiện dự án xây dựng nhà bao nhiêu tầng, cho phép bao nhiêu căn hộ… Có như vậy mới hấp dẫn nhà đầu tư xây dựng" - ông Mai Xuân Vinh cho biết.
Đồng tình với nhận định trên, Phó Phòng Quy hoạch kiến trúc 3, Sở QH&KT Hà Nội Lã Hồng Sơn cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp chờ đợi chính sách của Nhà nước cho phép chuyển đổi xây dựng cao ốc, nhưng khi biết quy định chỉ cho phép chuyển đổi xây dựng dưới 9 tầng thì họ nản, một là tiếp tục chờ đợi chính sách thay đổi, mặt khác tính toán chuyển đổi mục đích theo hướng khác, thuận lợi hơn.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị TP Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở TN&MT hướng dẫn các sở, ngành, UBND các quận về mẫu biểu lập danh sách các cơ sở cần di dời; chủ trì xây dựng tiêu chí, danh mục, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch tại 12 quận báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố xem xét, thông qua. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận tiến hành đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất trong quá trình xây dựng, báo cáo trình duyệt Kế hoạch Tổng thể di dời các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch tại 12 quận. |