Người dân phải hưởng lợi thực sự

Xã hội - Ngày đăng : 07:40, 11/09/2015

(HNM) - Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) Hà Nội đang tiến hành rà soát, đánh giá, chấm điểm tại một số địa phương làm cơ sở đề nghị thành phố công nhận các xã đạt chuẩn năm 2015.



Năm nay, công tác này được tiến hành làm 2 đợt (tháng 9 và 12), sớm hơn so với mọi năm. Nhìn chung, quá trình triển khai ở các địa phương đều bài bản, đúng quy trình; các địa phương đã nỗ lực, quyết liệt đạt kết quả cao trong xây dựng NTM.

Để người dân thực sự được hưởng lợi là mục tiêu hàng đầu của công tác xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hùng Anh


Dân chủ và đồng thuận

Sau một thời gian xây dựng NTM, đến nay xã Kiêu Kỵ huyện Gia Lâm đã hoàn thành đủ 19/19 tiêu chí. Bí thư Chi bộ thôn Báo Đáp, ông Đinh Hào Quang nhận xét: Tuy chưa phải là điểm sáng trong xây dựng NTM của thành phố, nhưng địa phương đã rất nỗ lực. Đáng lưu ý, nhờ xây dựng NTM, nhận thức của người dân đã được nâng lên một bước trong việc chung sức xây dựng xóm làng khang trang.

Ông Quang nhớ lại: "Thời gian đầu, khi mới triển khai xây dựng NTM, người dân gặp tôi thường hỏi: Xây dựng NTM là gì và chúng tôi phải làm gì? Chúng tôi đã giải thích cho bà con: Xây dựng NTM là quá trình kế thừa, phát triển lên thêm để nông thôn quy củ hơn, sạch đẹp hơn, người dân có thu nhập cao hơn, con trẻ có môi trường học tập tốt hơn… Điều quan trọng là nông thôn vẫn phải là nông thôn chứ không biến nông thôn thành đô thị".

Tương tự, ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, khi địa phương lấy ý kiến nhân dân về việc đánh giá các tiêu chí đạt chuẩn NTM, nhiều người chưa nhất trí với đánh giá của địa phương. "Có người dân thắc mắc: Đường giao thông chưa được làm mới, sao có thể đạt tiêu chí NTM. Chúng tôi đã giải thích để người dân hiểu, căn cứ theo hướng dẫn chấm điểm của thành phố, không phải cứ phá đi, làm lại mới đạt tiêu chí mà phải căn cứ vào thực tế, đường giao thông nhiều tuyến mới được đầu tư vẫn còn tốt, đáp ứng đủ theo tiêu chí" - ông Tạ Quốc Khánh, Bí thư Chi bộ thôn Cầu Biêu lý giải.

Cũng tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Trưởng thôn Quỳnh Đô Đỗ Văn Nghĩa cho biết, triển khai xây dựng NTM ở địa phương, thôn đã họp bàn dân đóng góp để làm đường giao thông ngõ xóm. "Về chủ trương thì người dân nhất trí cao nhưng vẫn còn những băn khoăn về chuyện đóng góp. Phải qua 11 hội nghị họp bàn mới đi đến đồng thuận và từ đây, việc triển khai đến khi hoàn thành các tuyến đường đều nhanh chóng, người dân vui mừng sẵn sàng góp tiền, góp của xây dựng NTM mà không một chút băn khoăn". Điều đó cho thấy, ở tất cả các địa phương triển khai xây dựng NTM công khai, dân chủ, nhận được sự đồng thuận của người dân sẽ đạt được nhiều kết quả.

Đời sống người dân có chuyển biến mạnh

Một lĩnh vực quan trọng trong xây dựng NTM đó là công tác dạy nghề, đào tạo nghề cho nông dân, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Tại xã Vĩnh Quỳnh, Giám đốc HTX Vĩnh Ninh Nguyễn Phạm Loạn cho biết, sau dồn điền, đổi thửa, mỗi hộ dân ở đây chỉ còn 1 thửa ruộng. Chúng tôi quy hoạch thành 2 vùng sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Tùy theo điều kiện mà các hộ đăng ký nhận ruộng ở vị trí phù hợp. HTX cũng đã vay vốn đầu tư máy cấy, máy làm đất, máy gặt đập liên hợp phục vụ xã viên. Hiện nay, xã Vĩnh Quỳnh còn liên kết với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đưa giống lúa mới vào sản xuất. Sau thu hoạch, doanh nghiệp đã thu mua 100% thóc với giá cao nên người dân rất phấn khởi. Trong khi đó, ở các xã Kiêu Kỵ, Dương Xá huyện Gia Lâm, người dân lại năng động trong phát triển các nghề truyền thống như dát vàng, bạc thu nhập bình quân đầu người đã đạt xấp xỉ 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2%. Tại xã Dương Xá, hàng trăm hộ dân làm nghề chế biến hành tỏi phi, bột nghệ… mang lại thu nhập trên 29 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chưa đầy 1%.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương lưu ý các địa phương: Xây dựng NTM là quá trình liên tục. Ngay cả khi đã đạt điểm tối đa, các địa phương vẫn phải tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao tiêu chí để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Việc công nhận xã NTM chỉ có thời hạn trong 5 năm, sau khi kết thúc sẽ rà soát và đánh giá lại, nếu không đạt sẽ không được công nhận tiếp. Đối với các địa phương còn một số tiêu chí bị trừ điểm như ở Kiêu Kỵ, tình trạng ô nhiễm môi trường khi sông Cầu Bây chảy từ quận Long Biên qua xã bị ô nhiễm trầm trọng. Nước sạch trên địa bàn xã đã có nhưng vẫn còn 2 cụm dân cư chưa được hưởng trong khi người dân có nhu cầu được dùng nước sạch. Một số thôn đã có nhà văn hóa nhưng còn quá nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu hội họp của nhân dân… địa phương cần tiếp tục hoàn thiện tiêu chí để người dân được hưởng lợi thực sự từ NTM.

Tính đến hết ngày 8-9, Tổ công tác đã hoàn thành chấm điểm tại 16 xã thuộc 4 huyện Thanh Trì, Mỹ Đức, Hoài Đức và Gia Lâm. Trong đó, 14 xã đã đủ điều kiện để đề nghị Hội đồng thẩm định NTM thành phố bỏ phiếu công nhận xã đạt chuẩn NTM. Riêng 2 xã Hợp Thanh (Mỹ Đức) và Tiền Yên (Hoài Đức) do nhiều tiêu chí chưa hoàn thành nên Tổ công tác yêu cầu tiếp tục phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí để công nhận trong đợt sau. Một số xã tuy có đủ điều kiện để được công nhận là xã NTM nhưng vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí.

Nguyễn Mai