Nâng mức phạt vi phạm giao thông: Cảnh tỉnh trước hiểm nguy
Giao thông - Ngày đăng : 07:13, 11/09/2015
Trước những ý kiến cho rằng mức phạt đề xuất quá cao, đại diện Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia nhấn mạnh: Tính mạng con người là trên hết. Chế tài xử lý nặng đối với hành vi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT) chính là lời cảnh tỉnh để người tham gia giao thông không vi phạm.
Nhiều chủ phương tiện xe máy không chấp hành Luật Giao thông đường bộ bất chấp nguy hiểm đi vào luồng đường cấm xe máy trên tuyến Vành đai 3 trên cao (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Anh |
Nâng chế tài xử phạt
Theo dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm giao thông (dự kiến trình Chính phủ vào tháng 10-2015 và ban hành vào tháng 12-2015), một số hành vi vi phạm trật tự ATGT sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể, đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, dự thảo đề xuất tăng mức phạt tiền đối với tất cả hành vi của lái xe ô tô. Theo đó, tăng mức phạt tiền 2.000.000 - 3.000.000 đồng lên mức 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với người có nồng độ cồn dưới 50mg trong máu hoặc dưới 0,25mg/1 lít khí thở (mức 1); tăng từ 7.000.000 đến 8.000.000 đồng lên 8.000.000 - 12.000.000 đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/lít khí thở (mức 2); phạt tiền 14.000.000 - 16.000.000 đồng thay vì mức 10.000.000 - 15.000.000 đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở (mức 3). Các hành vi vi phạm ở mức 2 và 3 còn bị tước giấy phép lái xe 3 tháng. Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, mức phạt cũng tăng gấp đôi hiện nay. Vi phạm ở mức 2 sẽ bị phạt 1.000.000 - 2.000.000 đồng và mức 3 là 5.000.000 - 7.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe 2-3 tháng.
Cũng theo dự thảo này, đối với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc sẽ bị tăng mức xử phạt lên gấp 10 lần (2.000.000 - 4.000.000 đồng/trường hợp thay vì mức 200.000 - 400.000 đồng/trường hợp như hiện nay). Đối với xe ô tô dừng đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc cũng tăng từ mức 800.000 - 1.200.000 đồng lên mức 2.000.000 - 3.000.000 đồng.
Tăng cường kiểm tra, xử phạt nặng với lái xe sử dụng chất kích thích sẽ góp phần hạn chế tai nạn giao thông. |
Tính mạng con người là trên hết
Có ý kiến cho rằng, các mức phạt đề xuất nói trên quá cao. Tại nhiều vùng nông thôn, nơi có mặt bằng dân trí thấp hơn, cần đẩy mạnh tuyên truyền trước khi chính thức áp dụng xử phạt và việc xử phạt cũng phải có lộ trình. Đồng thuận phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật rộng khắp trên toàn quốc, tuy nhiên nhiều chuyên gia về giao thông cho rằng các Nghị định 107/CP và 171/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt kể từ khi đi vào thực tiễn đời sống đã bộc lộ một số bất cập. Đặc biệt, có những hành vi vi phạm là nguy cơ cao gây TNGT nghiêm trọng nhưng mức xử phạt quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Vì vậy, đề xuất nâng mức xử phạt là cần thiết.
Một trong những hành vi có nguy cơ cao gây TNGT chính là tình trạng lạm dụng bia rượu khi tham gia giao thông. Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, số vụ TNGT có nguyên nhân từ việc người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia gây ra trên toàn quốc trung bình mỗi năm chiếm 16-20% và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Thống kê số liệu TNGT mới được Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức công bố cũng là những con số "biết nói" về sự nguy hại từ bia, rượu đem lại cho người tham gia giao thông. Theo đó, riêng năm 2014 có tới 674 người bị TNGT đến cấp cứu trong tình trạng đã sử dụng rượu bia, trong đó 628 nam và 46 nữ. Nghiêm trọng hơn là có tới 605/674 nạn nhân trong độ tuổi lao động (20-59 tuổi); 906 người bị TNGT đến cấp cứu qua xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu (850 nam, 56 nữ) và số người trong độ tuổi lao động là 797/906 người. Các vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản, đe dọa ATGT đối với cả cộng đồng xã hội và hệ thống hạ tầng giao thông.
Ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, cần điều chỉnh quy định về xử phạt hành vi điều khiển phương tiện trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định để tăng tính răn đe, ngăn chặn nguy hiểm cho xã hội.
Hành vi cố tình đi xe máy vào đường cao tốc gây nguy hiểm trước tiên cho chính bản thân người điều khiển phương tiện. Đại diện Công ty Vận hành và bảo trì đường cao tốc VEC O&M cho biết, trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp người dân cố tình đi xe máy vào đường cao tốc. Thậm chí, khi nhân viên bảo trì đường cao tốc hướng dẫn người dân đi ra đúng tuyến đường còn bị chống đối. Do đó, dự thảo đề xuất tăng mức xử phạt hành vi này lên gấp 10 lần so với hiện tại là phù hợp.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng nhấn mạnh: Chúng tôi luôn khẳng định tính mạng con người là trên hết. Chế tài xử lý nặng đối với những hành vi vi phạm có nguy cơ TNGT cao chính là lời cảnh tỉnh đủ sức răn nhất. Khi người tham gia giao thông hiểu rằng sẽ bị xử phạt rất nặng nếu như lạm dụng bia, rượu hoặc cố tình phóng xe vào đường cao tốc, chắc chắn họ sẽ không dám vi phạm…
Ngày 10-9, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Báo chí với vấn đề ATGT". Tại buổi tọa đàm, đại diện Ủy ban ATGT quốc gia và các cơ quan chức năng đánh giá cao đóng góp của báo chí nhằm góp phần giảm thiểu TNGT. Đồng thời, đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường thông tin, có những tuyến tin, bài về cơ chế chính sách; cảnh báo nguy cơ TNGT; thiệt hại cho cá nhân, gia đình và cộng đồng do TNGT… Các cơ quan chức năng khẳng định sẽ chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên để công tác thông tin tuyên truyền mang lại hiệu quả cao hơn. |
Anh Đỗ Thế Huỳnh (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng): Phải phạt nặng người sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô, xe máy Điều tôi quan tâm nhất trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 là việc tăng mức phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô, xe máy. Thực tế thời gian qua, không ít người vừa điều khiển ô tô, xe máy vừa dùng điện thoại di động nên gây ra tai nạn nhưng việc xử lý hành vi này chưa được thực hiện nghiêm. Dự thảo nghị định quy định, người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe sẽ bị xử phạt từ 600.000 đến 800.000 đồng theo tôi là hợp lý. Bà Tào Thị Chiêm (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai): Mạnh tay xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia có xu hướng gia tăng. Đáng nói, các vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia xảy ra nghiêm trọng, đe dọa ATGT đối với xã hội. Theo tôi, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 171 điều chỉnh tăng mức phạt tiền nhóm vi phạm về nồng độ cồn đối với tất cả các hành vi của lái xe ô tô là cần thiết, đặc biệt là người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ phạt tiền từ 14 đến16 triệu đồng thay vì mức 10-15 triệu đồng như trước… Với quy định mới này sẽ tăng được tính răn đe và ngăn chặn nguồn nguy hiểm cho xã hội. Ông Lê Việt Dũng (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai): Xử lý nghiêm những trường hợp đi xe máy vào đường cao tốc Hành vi đi xe máy vào đường cao tốc vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và công dân. Thiết nghĩ, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông, việc nâng mức xử phạt như dự thảo Nghị định 171 đề ra là rất hợp lý. Ngoài ra, tôi thấy các cơ quan chức năng cũng cần xem xét đến phương án tịch thu xe máy đối với trường hợp cố tình vi phạm đi vào đường cao tốc, bán đấu giá xe để lấy tiền ủng hộ người nghèo… Ông Lê Hữu Thành (phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây): Thu hồi giấy phép lái xe với trường hợp vi phạm nhiều lần Trên các tuyến đường, tôi thấy còn có những trường hợp chở 3 người trở lên trên xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, bốc đầu; hoặc những trường hợp nẹt pô, lắp còi xe công suất quá lớn, chở quá tải trọng… cũng là những hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tiềm ẩn tai nạn. Do đó, cùng với việc tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm, biện pháp răn đe mạnh là thu giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với những cá nhân tham gia giao thông vi phạm nhiều lần là rất cần thiết. Như vậy sẽ buộc họ nếu muốn được sử dụng phương tiện khi tham gia giao thông thì phải học lại, thi lại, mới được cấp giấy phép lái xe. Nhóm PV Ban Bạn đọcghi |