Hai câu hỏi lớn của ngành giáo dục: Cần được thể hiện trong chương trình phổ thông mới

Giáo dục - Ngày đăng : 11:02, 10/09/2015

(HNMO) - “Chúng ta đến trường để học cái gì?” và


Rất ít ai ngờ là sau bao nhiêu năm đi học nhiều người vẫn chưa hề đặt câu hỏi “học cái gì” và “học để làm gì” cho bản thân mình. Và khi đối diện với câu hỏi này mới thấy đây quả là một vấn đề lớn.

Ảnh minh họa (Minh Bắc)



Hai câu hỏi cho ngành giáo dục

Đúng là như vậy, bởi xét về việc học, đó là hai câu hỏi quan trọng nhất cần phải trả lời rõ ràng. Thầy giáo lão thành Văn Như Cương, nhân ngày khai giảng năm học mới 2015-2016 cũng hỏi các học sinh của mình: “Hàng ngày chúng ta đến trường để học cái gì?” Đa số học sinh của thầy trả lời đến trường để “Học những điều có trong sách vở, cụ thể nhất là trong sách giáo khoa”. Không sai! Nhưng với kinh nghiệm của mình, thầy nói với các trò: “Thầy năm nay đã 79 tuổi. Thầy được “cắp sách đến trường” liên tục từ cấp 1, cấp 2, cấp 3, rồi đại học, sau đại học, nghiên cứu sinh và lấy bằng Tiến sĩ… Và bây giờ khi nhìn lại cuộc đời đã qua của mình, thầy phải thừa nhận rằng, những điều mình đã được học ở trường thực ra không phải là toàn là những “bảo bối”, cũng không phải là những “cẩm nang thần diệu” giúp cho thầy bước vào cuộc sống đời thường, một thực tế rất sôi động, đầy cơ hội và cạm bẫy, trong đó cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác nhiều khi khó phân định rõ ràng. Bởi vậy, với tư cách là một người thầy giáo nhiều tuổi nghề, nhiều tuổi đời, thầy muốn nhắn nhủ các em rằng, biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi…” .

Còn “học để làm gì?” em Trần Thị Thảo, học sinh lớp 12 chuyên Sử - Địa - Trường PTTH chuyên Bắc Giang trả lời ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong ngày khai trường rằng “chúng em học để làm người, học để trở thành người tốt, người có ích cho xã hội, thể hiện lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô, các thế hệ cha anh... và cuối cùng để cống hiến cho xã hội”. Đồng ý với câu trả lời của em Thảo nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân lại nhấn thêm ý “học để làm cha mẹ giỏi nữa. Cha, mẹ giỏi để dạy con thành công dân tốt”. Ông đề nghị nhà trường cần trang bị kiến thức cho các em học sinh lớp 12 để sau này không những là người có ích cho xã hội, cống hiến cho đất nước - là công dân hiếu thảo nhưng phải là những cha mẹ biết nuôi dạy con cái giỏi "vì sau này các em phải có vợ, có chồng. Lớp 12 là cần phải dạy làm cha mẹ giỏi rồi, biết chọn vợ chọn chồng, thấy thích thấy thương thì yêu nhưng đừng có vội quá, rất bình tĩnh".

Phải học làm cha, làm mẹ giỏi?

Học để làm Người, đó là bản chất cơ bản mà nền giáo dục nào cũng phải đưa đến. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) cũng đưa ra câu trả lời chung cho các quốc gia về việc học để làm gì, đó là “Học để biết, Học để làm, Học khẳng định mình và Học để chung sống với người khác”. Nghĩ cho cùng, đó cũng là học để làm người. Tuy nhiên đối với Việt Nam thì cần phải cụ thể hơn đó là học để làm một người công dân Việt Nam tốt, có ích cho xã hội, có hiếu thảo mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Chưa đủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn nhấn mạnh thêm là cần phải “học để làm cha mẹ giỏi”, nhất là học sinh ở những lớp cuối cấp.

Thật khó mà có một câu trả lời duy nhất và hoàn hảo nhưng học để làm cha mẹ giỏi là một vấn đề đáng suy ngẫm.

“Học để làm cha mẹ giỏi” có thực sự cần thiết đưa vào lúc này không? Rất cần thiết. Làm cha, mẹ càng ngày càng khó khăn hơn bởi trẻ càng ngày càng tiếp xúc với nhiều thông tin hơn và theo một nhà nghiên cứu tâm lý thì “hành vi chưa ngoan của trẻ đang có xu hướng tăng lên”.

Thực tế, hiện phần lớn các bậc cha, mẹ chưa biết cách làm thế nào để vững vàng trong quá trình nuôi dạy con cũng như chưa biết những phương pháp giáo dục con nên mọi sự đều trông cậy vào nhà trường nên việc dạy con trẻ chưa thật sự hiệu quả…

Và không ít chuyện thương tâm về tình yêu, tình bạn lứa tuổi học trò đã xảy ra gây hậu quả xấu đến gia đình và xã hội. Có thể nói sản phẩm của nền giáo dục (hay cả xã hội) rất cần những người biết làm cha, mẹ giỏi. Đó là cơ sở vững chắc để họ cùng nhà trường tạo ra những công dân tốt cho xã hội.

Khi chúng ta xác định rõ cần “học làm cha, mẹ giỏi” thì lúc đó cả hệ thống giáo dục đào tạo mới có tính hướng đích rõ ràng. Cái hướng đó nhất thiết phải thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới mà chúng ta đang xây dựng.

Vấn đề cuối cùng là dạy và “học làm cha, mẹ giỏi” như thế nào để các em vững tin khi làm cha, làm mẹ? Điều đó cần sự sáng tạo của thầy và trò cùng sự đổi mới của phương pháp dạy, học trong nhà trường phổ thông…

Minh Bắc