Ngăn chặn vi phạm hành lang an toàn đường sắt: Bất lực?
Đời sống - Ngày đăng : 07:14, 09/09/2015
Hiểm họa chực chờ
Theo Ban ATGT TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2015 đến nay, tại TP Hồ Chí Minh, đã xảy ra 8 vụ tai nạn đường sắt (tăng 5 vụ, gấp xấp xỉ 2,7 lần), làm chết 5 người (tăng 4 người, gấp 5 lần), bị thương 3 người (tăng 1 người, gấp 1,5 lần) so với cùng kỳ năm 2014.
Người dân vẫn băng qua điểm giao cắt với đường sắt khi tàu đã đến gần. |
Còn theo ngành Đường sắt Việt Nam, đoạn đường sắt qua TP Hồ Chí Minh chỉ chiếm gần 0,8% (14km) tổng chiều dài tuyến đường sắt Bắc - Nam (gần 1.800km) nhưng số vụ TNGT đường sắt xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chiếm gần 5% cả nước. Điều đáng nói, TP Hồ Chí Minh có hạ tầng đường sắt tốt hơn so với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng TNGT đường sắt tăng trên cả 3 tiêu chí là rất đáng báo động.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Km1716+936 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), dù đường ngang dân sinh giao với đường sắt có cả rào chắn và đèn báo hiệu nhưng người dân vẫn vi phạm hàng ngày. Cụ thể, cách đường ngang dân sinh hợp pháp vài mét, nhiều người dân vẫn liều mạng băng qua đường sắt bằng lối "tự mở" bất chấp đoàn tàu đã đến gần và kéo còi liên tục. Trong khi đó, vào giờ cao điểm sáng, chiều, tại các điểm giao cắt như: Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận)…, luôn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, dẫn đến tình trạng chen lấn nhau khi băng qua đường sắt và mỗi khi tàu đi qua là mỗi lần hiểm họa chực chờ. Một nhân viên gác chắn tại đây cho biết, tại các điểm đường ngang giao cắt với đường sắt, nhân viên gác chắn phải đóng barie sớm hơn vì lưu lượng phương tiện lớn, nếu đóng muộn, tai nạn thảm khốc có thể xảy ra do ý thức chấp hành quy định của người tham gia giao thông còn hạn chế.
Chưa dừng lại ở đó, tại địa bàn quận Phú Nhuận, Gò Vấp và Thủ Đức, hàng trăm hộ dân sống cạnh hành lang an toàn đường sắt đã tự ý tháo dỡ hàng rào bảo vệ để băng qua đường sắt nhanh chóng và tiện lợi. Điển hình cho sự vi phạm này là tại địa bàn quận Thủ Đức. Dù có hàng rào bê tông bảo vệ từ Km1716+140 đến Km1717+800, nhưng các hộ dân hai bên vẫn trồng cây, rau, phơi quần áo trong hành lang an toàn hoặc cắt phá hàng rào bảo vệ đường sắt… Đáng buồn hơn, khu vực này cũng trở thành nơi tập kết rác, chủ yếu do người dân sống xung quanh thải ra hằng ngày.
Không thể ngăn chặn?
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, dù đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trật tự ATGT hành lang đường sắt; bổ sung đầy đủ biển báo hiệu giao thông đường bộ, đường sắt… nhưng tình hình vi phạm quy định và TNGT đường sắt vẫn diễn biến phức tạp. "Để bảo đảm ATGT trên hành lang đường sắt, ngành Đường sắt cần đầu tư nâng cấp và cải tạo đường ngang tại nhiều vị trí đã xuống cấp; có chủ trương giải tỏa các hộ dân trong phạm vi hành lang đường sắt tại đường ngang", ông Dũng kiến nghị. Thế nhưng, theo Trung tá Đinh Thế Anh, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), giải pháp hữu hiệu nhất phải tăng cường công tác tuyên truyền đến tận từng hộ dân, và điều này phải được UBND phường/xã, khu phố chủ động đẩy mạnh trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho rằng, để xảy ra vi phạm về hành lang an toàn đường sắt ngoài việc thiếu ý thức của người dân thì rõ ràng các giải pháp của các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương vẫn chưa hiệu quả. Đơn cử, trong hành lang an toàn đường sắt mà người dân vẫn trồng rau thì không thể tin được. Gay gắt hơn, ông Vũ Quý Phi, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: "Hệ thống biển báo tại các điểm giao cắt và hai bên đường sắt dày đặc nhưng không phát huy hiệu quả. Người dân, thậm chí cả người trong ngành cũng không thể hiểu, trong khi ở các quốc gia phát triển dù có thể không hiểu ngôn ngữ nhưng nhìn vào biển báo thì sẽ hiểu rõ".
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP Hồ Chí Minh đề nghị Sở GTVT và ngành Đường sắt thành phố kiểm tra, khảo sát để khắc phục, đưa ra phương án xử lý, giải quyết tình trạng các địa điểm tầm nhìn bị che khuất. Đồng thời, làm các dải phân cách và hệ thống biển báo, thường xuyên kiểm tra những biển báo hư hỏng, đèn mờ để kịp thời sửa chữa, bảo đảm đèn tín hiệu cảnh báo hoạt động tốt nhất để người dân chấp hành đúng luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.