Khi bộ khung hành chính “nhẹ” hơn

Đời sống - Ngày đăng : 07:12, 09/09/2015

(HNM) - Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có những động thái quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, bộ khung hành chính đã

Số người đến làm thủ tục về lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã giảm.



Có thể "ngồi nhà" làm thủ tục hành chính

Từ tháng 12-2014, TP Hồ Chí Minh đã chính thức thực hiện mô hình "kiềng ba chân" (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia - Cục Hồ sơ C53, Bộ Công an) - Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ hồ sơ tồn đọng trong việc xét cấp lý lịch tư pháp (LLTP) của công dân. Theo đó, đối với những hồ sơ tồn đọng do bị "tắc" trong khâu xác minh, Sở Tư pháp thành phố chuyển thẳng hồ sơ tới C53 để xử lý thay vì chuyển cho Công an thành phố xác minh, tra cứu. Đối với công dân đã từng ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau; công dân đã từng ở nước ngoài; công dân đã từng tham gia lực lượng vũ trang; du học sinh ở nước ngoài và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh, việc xác minh để cấp LLTP gặp rất nhiều khó khăn. Công an TP Hồ Chí Minh đã từng phải chuyển nhiều bộ hồ sơ tới các cơ quan liên quan và bị lệ thuộc vào tiến độ giải quyết của các cơ quan đó nên tỷ lệ hồ sơ tồn đọng lên tới 90%. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Hồng Văn Hải, Trưởng phòng LLTP (Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ khi thực hiện mô hình "kiềng ba chân", đã giải quyết tất cả hồ sơ LLTP bị trễ hẹn, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn đạt 100%. Không chỉ vậy, thời gian giải quyết thủ tục cũng nhanh hơn (theo quy định là sau 20 ngày làm việc nhưng được rút ngắn xuống chỉ còn 12 ngày).

Thành công của mô hình "kiềng ba chân" do Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh thực hiện chưa dừng lại ở đó. Theo kế hoạch, ngay trong quý III năm nay, cơ quan này sẽ chính thức thí điểm đề án triển khai cấp LLTP qua dịch vụ bưu chính. Với việc cấp LLTP qua bưu điện, người dân thành phố không phải đến tận cơ quan nhà nước mà có thể "ngồi nhà" để giao dịch, thực hiện các thủ tục hành chính. Theo đó, người dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn, hoặc in tờ khai trực tuyến từ trang web (đang chuẩn bị đưa vào vận hành) sau đó đến bưu điện để gửi hồ sơ, hoặc có thể điền thông tin từ trang web sau đó đặt lịch hẹn để nhân viên bưu chính đến tận nhà nhận hồ sơ để chuyển tới cơ quan chức năng giải quyết. Bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định, không được ủy quyền xin cấp LLTP, do đó trước đây người dân phải trực tiếp đến Sở Tư pháp để nộp và nhận kết quả. Việc cấp LLTP qua dịch vụ bưu chính giúp người dân thành phố không phải đi lại nhiều lần, còn người Việt Nam đang làm việc, học tập ở nước ngoài có thể xin cấp LLTP mà không phải về nước.

Đối với thủ tục đăng ký khai sinh, nhận cha mẹ có yếu tố nước ngoài, trước đây người dân phải làm thủ tục nhận cha mẹ trước, sau đó mới được đăng ký khai sinh. Hiện Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã gộp hai hồ sơ này để nộp một lần, rút ngắn thời gian đi lại của công dân từ 4 lần xuống còn 2 lần, thời gian chờ nhận kết quả từ 30 ngày, giờ còn 25 ngày.

Cần đồng bộ

Những cải cách trong thủ tục hành chính của TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực và đem lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù "bộ khung" thủ tục hành chính đã "nhẹ" hơn trước đây nhưng vẫn chưa tạo được sự đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, mô hình "kiềng ba chân" nói trên chỉ áp dụng đối với những hồ sơ ách tắc, trễ hẹn. Còn đối với những hồ sơ bình thường, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh vẫn phải chuyển qua cơ quan công an cùng cấp để xác minh. Như vậy, rõ ràng, những thay đổi trên chỉ dừng lại ở mục đích khơi thông ách tắc, nhằm tránh trễ hẹn với dân thay vì phải cải cách toàn diện, mang tính đột phá, đáp ứng nhu cầu cao nhất của người dân. Trao đổi với chúng tôi, một luật gia cho rằng, lẽ ra, nếu tất cả những hồ sơ LLTP đều được chuyển thẳng lên Cục Hồ sơ (C53), quy trình giải quyết sẽ còn tinh gọn hơn.

TP Hồ Chí Minh là đô thị đông dân nhất nước, nhu cầu giải quyết giấy tờ của người dân là rất lớn. Chính vì vậy, TP Hồ Chí Minh cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Chẳng hạn, nhu cầu làm thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài, hay nhu cầu đăng ký khai sinh, nhận cha mẹ có yếu tố nước ngoài đang là vấn đề bức thiết thời gian gần đây ở thành phố. Nhu cầu người Việt Nam ở nước ngoài về nước phải làm thủ tục cư trú, đầu tư, kinh doanh... cũng tăng cao. Trong khi đó, công tác phối hợp liên ngành của thành phố dù đã chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nhưng vẫn còn một số điểm nghẽn, bất cập. Chính vì vậy, nhằm thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trước dân, các sở, ngành chức năng TP Hồ Chí Minh đã cam kết thực hiện nghiêm quy chế gửi thư xin lỗi người dân nếu để xảy ra trường hợp hồ sơ bị trễ hẹn. Tuy nhiên, điều người dân cần chính là hồ sơ được giải quyết nhanh, thủ tục ngắn gọn, thái độ phục vụ văn minh, không nhũng nhiễu chứ không phải một lời xin lỗi.

Bài, ảnh: Nguyễn Lê