Tương lai nào cho người tị nạn?
Thế giới - Ngày đăng : 06:36, 09/09/2015
Dòng người di cư vẫn đang đổ về Châu Âu. |
Đặt chân đến Đức, Áo hay quốc gia nào đó trong Liên minh Châu Âu (EU) không có nghĩa là người nhập cư được định cư lâu dài tại đây. Sau khi vào trại tị nạn tập trung để phân loại, nhiều người di cư có thể phải trở lại đất nước mình nếu không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Trước hết, họ phải làm thủ tục xin nhập cư và đợi quá trình xét duyệt trung bình trên 5 tháng. Nếu quy chế tị nạn được chấp nhận, người di cư sẽ nhận được giấy phép định cư trong 3 năm. Sau thời gian này, việc họ có được cư trú dài hạn hay không mới được xét tới.
Chắc chắn không phải tất cả những người đã tới Châu Âu sẽ có được may mắn này. Bộ Lao động Đức cho biết sẽ có khoảng 35 - 45% trong số chừng 800.000 đơn xin tị nạn được chấp thuận ở lại Đức, số còn lại sẽ bị trục xuất. Nhà chức trách Đức khẳng định, các quốc gia EU đã xác định Ghana, Senegal, Serbia, Macedonia, Kosovo, Albania, Montenegro và Bosnia-Herzegovina là "những quốc gia an toàn". Điều đó có nghĩa là đơn xin tị nạn của công dân những nước này nhiều khả năng sẽ bị từ chối. Ngay cả với những người được chấp nhận ở lại, tương lai cũng không dễ dàng. Tại quốc gia rất hào phóng với người nhập cư như Đức, việc tìm kiếm việc làm để nuôi bản thân và gia đình cũng là một thách thức. Theo quy định, người nhập cư bị cấm đi làm trong 3 tháng đầu tiên. Sau thời gian này, kể cả khi có quyết định được ở lại, họ cũng là đối tượng của rất nhiều lệnh cấm và không được quyền tiếp cận thị trường việc làm một cách tự do trong vòng 4 năm. Những người nhập cư có visa ngắn hạn rất khó được tuyển dụng. Chưa kể, họ có thể vấp phải sự phân biệt đối xử khi người nhập cư gây ra áp lực lớn về ngân sách đối với chính quyền địa phương.
Châu Âu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc phân bổ hạn ngạch nhận người di cư. Trong khi Đức đã bắt đầu quá tải với lượng người đổ vào, Chính phủ Áo khẳng định sẽ chấm dứt các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ cho người di cư và đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, vẫn có những phát biểu mang lại hy vọng cho những con người khốn khổ đang chạy trốn chiến tranh, bạo lực và đánh cược với mạng sống của chính mình. Trong một phát biểu mới nhất ngày 8-9, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, nước này sẽ tiếp nhận hơn 20.000 người di cư trong vòng 2 năm tới, đồng thời kêu gọi các nước thành viên EU cần thống nhất một chính sách chung để giải quyết vấn đề người tị nạn. Cùng quan điểm với Tổng thống F.Hollande, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Maria Garcia-Margallo cũng cam kết nước này sẵn sàng tiếp nhận người di cư bất chấp tình hình kinh tế khó khăn. Trong một phát biểu trước các thành viên Quốc hội sáng 8-9 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ tiếp nhận khoảng 20.000 người tị nạn trong giai đoạn 2015- 2020. Theo đó, người di cư tới Anh sẽ được cấp thị thực bảo trợ nhân đạo thời hạn 5 năm, có quyền lưu trú, làm việc và hưởng phúc lợi xã hội trước khi nộp đơn xin định cư tại đất nước này. Anh cũng sẽ nới lỏng các tiêu chí của chương trình hỗ trợ người tị nạn Syria tái định cư, trong đó ưu tiên trẻ nhỏ và trẻ mồ côi.
Dù không nằm trong khu vực EU nhưng hàng nghìn người Australia cũng xuống đường tuần hành để bày tỏ sự ủng hộ và chào đón người di cư trong bối cảnh Chính phủ của Thủ tướng Tony Abbott cam kết tăng tiếp nhận số người di cư Syria vào nước này. Theo Thủ tướng T.Abbott, nước này đang xem xét việc tiếp nhận nhiều hơn số người nhập cư Syria vào Australia trong năm nay, tức là sẽ vượt con số 13.750 người di cư Syria và Iraq được định cư mà Chính phủ Australia đã đặt ra cho năm tài chính bắt đầu từ tháng 7-2015. New Zealand cũng thông báo sẽ nhận thêm 600 người di cư từ Syria do cuộc khủng hoảng nhân đạo về di cư ngày càng trở nên tồi tệ. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc một loạt biện pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư ở cấp độ toàn cầu hiện nay.
Dự kiến, hôm nay (9-9), EU sẽ công bố kế hoạch phân bổ 120.000 người di cư đã tới đặt chân tới Hy Lạp, Italia và Hungary trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất mà khu vực này phải đối mặt kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.