Không để "thượng đế" trở thành... nạn nhân!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:54, 09/09/2015

(HNM) - Hết lo ăn no mặc ấm, nghĩ đến ăn ngon mặc đẹp, âu cũng là lẽ thường. Ăn ngon mặc đẹp rồi, người ta lo chăm sóc khuôn mặt, cơ thể để hạn chế những khiếm khuyết, tóm lại để đẹp hơn, trẻ hơn… cũng là nguyện vọng chính đáng, cũng là lẽ thường.

Phụ nữ ngày nay ra đường mà không trang điểm, ở nhà quần áo không là, đầu tóc ít chải, không dùng nước hoa… xem ra có cái gì đó chưa ổn. Bởi thế, chỉ sau ít năm, cả nước, nhất là các đô thị lớn, mọc lên hàng loạt cửa hàng làm tóc, spa, sửa móng tay chân, các cửa hàng mỹ phẩm, thậm chí cả các siêu thị, đại lý rồi những công ty lớn nhỏ kinh doanh các mặt hàng làm đẹp. Có cầu ắt có cung, điều ấy lẽ ra cũng là bình thường. Và cũng là bình thường nếu như các cơ sở này kinh doanh lành mạnh, tìm kiếm lợi nhuận một cách chân chính. Nhưng đáng tiếc, đây là mặt hàng còn khá lạ, công an, quản lý thị trường, cơ quan quản lý chuyên ngành chưa có kinh nghiệm, chưa có chế tài pháp luật điều tiết cụ thể, nếu phát hiện được chỉ có thể đưa ra kết luận là hàng giả, hàng chưa rõ nguồn gốc, nên hiện nay hàng lậu, hàng giả tràn lan, kinh doanh phi pháp khá phổ biến đối với loại hàng hóa này.

Từ chỗ buôn lậu là chủ yếu (Công an Hà Nội đã từng bắt giữ vụ buôn lậu hàng tấn mỹ phẩm trên đường từ Trung Quốc về thành phố) hiện nay, phần lớn là hàng giả nhãn mác những hãng mỹ phẩm lớn, hàng dùng bao bì giả để chứa sản phẩm chất lượng kém, hàng hết hạn sử dụng; hàng xách tay nhưng mua sản phẩm giả từ nước ngoài, hàng tráo đổi trên mạng lừa những người ít kinh nghiệm... Không chỉ thế, nhiều người còn chế biến, sản xuất mỹ phẩm giả tại Việt Nam, thậm chí bằng thứ bột màu dùng trong công nghệ sơn, các công trình xây dựng. Vốn bỏ ra chỉ vài trăm nghìn, máy móc thiết bị nhà xưởng không đáng kể, bán hàng nhiều chục triệu đồng. Chỉ trong tháng 9 này, cơ quan công an đã phát hiện tại TP Cần Thơ một vụ làm mỹ phẩm giả lớn nhất từ trước tới nay ở địa phương, nguyên việc kiểm kê hàng hóa thu giữ đã phải mất hai ngày. Ở TP Hồ Chí Minh, cơ quan công an phát hiện 15 tấn mỹ phẩm, nước hoa giả trôi nổi ngoài thị trường; 7 tấn mỹ phẩm giả lọt vào các đại lý, thậm chí các siêu thị vốn khắt khe trong kiểm định đầu vào.

Vì trốn thuế, buôn lậu, làm hàng giả nên chi phí của các loại hàng này rất thấp nên các cơ sở trên dùng đủ mọi cách giảm giá và quảng cáo rùm beng để lừa khách hàng. Qua khảo sát của một nhóm phóng viên nữ ở TP Hồ Chí Minh, giá hàng hóa của một số thương hiệu có tên tuổi chỉ là: kem chống nắng 55.000 đồng, son môi 60.000 đồng; phấn trang điểm 75.000 đồng và còn có thể giảm giá nữa. Với giá ấy, không thể có hàng thật được. Sử dụng nó, người tiêu dùng sẽ bị dị ứng, mụn nhọt, nhiễm trùng da, chí ít là mất tiền mà không đẹp hơn.

Mỹ phẩm giả là một vấn đề "nóng" nhiều năm nay chưa có cách giải quyết và không chỉ ở Việt Nam. Càng để lâu, tình trạng này sẽ ngày càng phức tạp. Do vậy, rất cần có một hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý và xử lý triệt để vấn nạn mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng hiện nay. Đồng thời tăng cường tuyên truyền giáo dục kiến thức, kinh nghiệm cho người tiêu dùng, không khoán trắng để các "thượng đế" không còn là nạn nhân của việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm bất chính.

Vũ Duy Thông