Xuất khẩu nông sản, khoáng sản: Lao đao vì giảm giá và lượng
Kinh tế - Ngày đăng : 15:10, 08/09/2015
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 31,7 tỷ USD, giảm 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 74,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Nếu không kể dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 71,9 tỷ USD, tăng 20,4%.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước tăng so với tháng 7, chủ yếu tăng ở một số mặt hàng nhóm công nghiệp chế biến như máy tính, sản phẩm điện tử và kinh kiện, điện thoại, phương tiện vận tải và phụ tùng...
Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 18,6% so với cùng kỳ năm 2014 (trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm 10,2% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 46,6%).
Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản giảm 10,2%. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng thủy sản và 3 mặt hàng nông sản chủ lực gồm gạo, cà phê và cao su. Xuất khẩu thủy sản và gạo giảm do nguồn cung của các nước xuất khẩu dồi dào, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, đặc biệt là cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Ðộ; giá dầu thô giảm kéo theo chính sách duy trì giá trị đồng nội tệ thấp để thúc đẩy xuất khẩu của nhiều quốc gia, đồng thời dẫn đến hạn chế nhập khẩu; xu hướng bảo hộ đối với mặt hàng nông lâm thủy sản của các nước gia tăng...; xuất khẩu cà phê giảm do hạn hán kéo dài tại khu vực Tây Nguyên và sâu bệnh khiến sản lượng thu hoạch giảm.
Gạo xuất khẩu. Ảnh minh họa. |
Sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nhiều nhất là nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 46,6%, chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu dầu thô (dầu thô giảm 0,6% về lượng và giảm 48,7% về kim ngạch, do giá giảm 48,4%).
Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2015 của cả nước tăng thêm 8,8 tỷ USD so với cùng kỳ; trong đó, kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng khoảng 12,2 tỷ USD, kim ngạch của khu vực trong nước giảm hơn 800 triệu USD và kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 2,6 tỷ USD. Các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao hầu hết do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 99,7% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); máy vi tính linh kiện và điện tử (98,6%); giầy dép (79,3%); máy ảnh (99%)…
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng trưởng khá (tăng 16,4%). Nhiều nhóm hàng nguyên liệu được đẩy mạnh lượng nhập khẩu khi giá nhập khẩu có xu hướng giảm.
Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ vẫn có mức tăng khá cao so với cùng kỳ.
Trong tháng 8/2015, hoạt động nhập siêu ước là 100 triệu USD, bằng 0,7% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 8 tháng, cả nước nhập siêu 3,6 tỷ USD, bằng khoảng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 6,65 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu gần 9,4 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt khoảng 13 tỷ USD.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Công thương dự báo có một số khó khăn hoạt động xuất nhập khẩu phải đối mặt. Đó là giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản và khoáng sản giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước dự kiến tăng trưởng ở mức thấp, do các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khu vực này là nông sản, thủy sản và khoáng sản đang bị suy giảm.
Xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở những nhóm mặt hàng do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; việc tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc khá lớn vào sản phẩm xuất khẩu của một số ít doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa bảo đảm tính bền vững trong tăng trưởng xuất khẩu, nhất là trong trường hợp các doanh nghiệp này bị suy giảm doanh số tiêu thụ hay gặp những biến cố bất thường khác.
Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu; do đó, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài, khi giá cả và chính sách biến động sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.
Có thể thấy, trước tình hình còn nhiều rủi ro hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp mới có thể hoàn thành được các mục tiêu xuất nhập khẩu đề ra.