Chính thức thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia và ASEAN

Kinh tế - Ngày đăng : 14:04, 08/09/2015

(HNMO) - Ngày 8-9 tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã phối hợp với các bộ, ngành chính chức thực hiện thực hiện kết nối thực hiện Cơ chế một cửa Asean và một cửa Quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia, cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành tới dự.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bấm nút cơ chế 1 cửa


Thống kê của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và một cửa Quốc gia cho thấy, việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đã thực hiện được 3 giai đoạn. Ngay từ giai đoạn 1, khi các bộ: Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải thực hiện kết nối, thủ tục hải quan đã được thực hiện dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến, dựa trên hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS kèm theo Cổng thanh toán điện tử đối với thuế, áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, lệ phí làm thủ tục hải quan. 3 thủ tục của Bộ Giao thông vận tải, gồm: quản lý tàu biển xuất, nhập, quá cảnh và 3 thủ tục của Bộ Công thương gồm: cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi với hàng hóa xuất nhập khẩu (C/O mẫu D); thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu mô tô phân khối lớn và thủ tục nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozon đã được điện tử hóa.

Tính đến ngày 27-8-2015, đã có 1.936 doanh nghiệp thực hiện khai báo thủ tục cảng biển trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. 1.647 hồ sơ đăng ký cấp C/O mẫu D và 165 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng mô tô, xe máy… đã được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Trong giai đoạn 2 và 3, khi các bộ Nông nghiệp, Y tế, Tài nguyên môi trường, Khoa học công nghệ, Thông tin và truyền thông, Văn hóa thể thao và du lịch kết nối thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, thủ tục kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu thiết bị thu phát sóng, nhập khẩu đồ chơi trẻ em…đều sẽ được thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam tham gia Cơ chế một cửa Asean. Sau lễ kết nối ngày 8-9, Việt Nam sẽ lần lượt thực hiện kết nối kỹ thuật và trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử theo các Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN với các nước thành viên, gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan. Đến tháng 10-2015, 5 nước thành viên của cơ chế một cửa ASEAN, trong đó có Việt Nam sẽ hoàn tất kết nối kỹ thuật để sẵn sàng kết nối đầy đủ vào tháng 12-2015.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, khi thực hiện kết nối Một cửa quốc gia và tiến tới hoàn tất kết nối Một cửa Asean, thay vì phải nộp cùng một bộ hồ sơ cho nhiều bộ, ngành khác nhau, DN chỉ cần nộp 1 bộ duy nhất tại Cổng thông tin một cửa quốc gia. Điều này sẽ giúp DN giảm mạnh chi phí chuẩn bị hồ sơ cũng như thời gian chờ đợi các bộ ngành xử lý thông tin. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, thông tin của DN tiếp nhận được cũng sẽ chuẩn xác hơn do được cung cấp từ một văn bản duy nhất. Tuy nhiên, việc cắt giảm thời gian cho DN cụ thể ra sao khi tham gia Một cửa quốc gia sẽ phụ thuộc vào thủ tục mà DN đăng ký thực hiện và quá trình chuẩn bị hồ sơ của DN. Mặc dù vậy, theo ước tính của các ngành chức năng, khi thực hiện cơ chế này, sẽ rút ngắn được khoảng 15-30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính của DN, từ đó sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Hương Ly