Khó có cơ hội bứt phá
Tài chính - Ngày đăng : 13:44, 08/09/2015
Các nhà đầu tư đang chờ đợi sự phục hồi của TTCK. Ảnh: Sơn Hà |
“Đỏ sàn” là từ được dùng trong hầu hết những phiên giao dịch trên TTCK cuối tháng 8. Tỷ giá bấp bênh, tăng 2 lần liên tiếp trong khoảng chục ngày, kéo giá USD tiến dần tới ngưỡng 23.000 VND/USD trước sự ngỡ ngàng của giới đầu tư. Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc liên tiếp bị "phá giá" làm thị trường tiền tệ toàn cầu biến động. "Cơn lốc" giảm giá của đồng NDT cũng khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào nguy cơ phải điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng mà theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là mức tăng trưởng có nguy cơ thấp hơn. Vốn là bức tranh phản ánh "sức khỏe" của nền kinh tế, nên khi nền kinh tế có dấu hiệu bị đe dọa, TTCK phản ứng với việc biến động mạnh.
Trong phiên giao dịch ngay sau ngày tỷ giá được điều chỉnh lần thứ nhất của tháng 8, mức nới từ +/-1% lên +/-2% (ngày 13-8), chỉ số VN-Index mất 9,98 điểm, tương đương 1,65% để tuột khỏi ngưỡng 600 điểm, xuống 594,26 điểm. Những phiên sau đó, thị trường vẫn có phiên tăng, giảm đan xen, nhưng mức giảm không quá lớn. Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thêm một lần nới biên độ tỷ giá (ngày 19-8) tăng từ +/-2% lên +/-3%, cộng với tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, chỉ số VN-Index có 3 phiên liên tiếp lao dốc không phanh. Nếu như phiên ngày 20-8, VN-Index mất 11,13 điểm, tương đương 1,93%, còn 566,69 điểm, phiên ngày 21-8, chỉ số này để "tuột" thêm 10,39 điểm. Song, phiên gây khủng hoảng nhất cho giới đầu tư là ngày 24-8, sàn TP Hồ Chí Minh "chao đảo" khi VN-Index giảm 29,37 điểm, mức giảm mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây, kéo VN-Index lùi xa khỏi ngưỡng 600 điểm, đóng cửa ở 526,93 điểm.
Sự hoảng loạn của giới đầu tư trong nước được giới chuyên gia lý giải là do ảnh hưởng lớn từ cơn lốc sụt giảm của TTCK Trung Quốc lan rộng ra TTCK toàn cầu. Vốn là kênh đầu tư nhạy cảm với thông tin cũng như những biến động của nền kinh tế, TTCK là bức tranh rõ nét nhất phản ánh "sức khỏe" của các doanh nghiệp (DN). Chưa cần biết những thiệt hại thực tế mà DN trong nước phải đối mặt do sự sụt giảm của đồng NDT, song sắc đỏ của sàn chứng khoán Trung Quốc đã lan sang Việt Nam. Cộng với sự điều chỉnh tỷ giá nhanh đến chóng mặt để đối phó với những biến động của thị trường tiền tệ, niềm tin của nhà đầu tư có thêm một lần lung lay. Trốn chạy khỏi thị trường được coi là giải pháp tức thời với không ít nhà đầu tư trên thị trường. Song, trong bối cảnh đó, những người đủ bình tâm lại tranh thủ mua vào, vì giá cổ phiếu "lao dốc" được đánh giá là những cổ phiếu "hời", có cơ hội tăng giá trong những phiên sau đó.
Nhờ đó, tính thanh khoản của thị trường thường ở mức cao, nếu ở phiên 20-8, giá trị giao dịch trên sàn TP Hồ Chí Minh đạt 113 triệu đơn vị, sang phiên 21-8, con số này đã lên tới 185,89 triệu đơn vị, còn ở phiên 24-8, cả 2 sàn chứng khoán đạt con số 240 triệu đơn vị, giá trị gần 3.800 tỷ đồng. Sức mua của thị trường tăng, cộng với thị trường ngoại tệ dần ổn định, giá USD không còn "leo thang" bất thường trên thị trường tự do, các ngân hàng thương mại cam kết cung ứng đủ USD cho những DN có nhu cầu đã giúp TTCK trong nước có cơ hội hồi phục. Trong những phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, giới đầu tư đã tích cực hơn với thị trường, giúp chỉ số có 3 phiên tăng điểm liên tiếp. Trong phiên ngày 26, 27 và 28-8, chỉ số VN-Index có lại 40,89 điểm, bù cho những phiên lao dốc trước đó, giúp chỉ số này trở lại ngưỡng 570,87 điểm. Sự tích cực của giới đầu tư thể hiện ở tính thanh khoản luôn ở mức cao do lực mua của nhà đầu tư lớn hơn lực bán. Có vẻ như cơn bão sụt giảm của TTCK toàn cầu đã không còn ám ảnh nhà đầu tư trong nước. Mặc dù thị trường vẫn phải đón nhận những phiên tăng, giảm đan xen, nhưng đà tăng, hay giảm không còn đột biến.
Dự báo về thị trường trong những phiên tới, các chuyên gia nhận định, sau những phiên sụt giảm, nhà đầu tư trong nước đã bình tĩnh hơn, không còn bị ảnh hưởng bởi đà "rơi" của các TTCK lớn trên thế giới. Tuy nhiên, thị trường trong nước khó có thể hoàn toàn độc lập với thị trường thế giới, hơn nữa, đây là kênh đầu tư
bị chi phối bởi tâm lý đám đông. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục bị "bủa vây" bởi khó khăn do phải đối mặt với sự sụt giảm đà tăng trưởng so với dự báo đầu năm, TTCK trong nước cũng khó có cơ hội bứt phá. "Leo" trở lại ngưỡng 600 điểm và giữ được mức này đã khó, chưa nói đến 700 điểm, cái mốc quá xa vời với thị trường chứng khoán.