Những ước mơ lại cháy…
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:40, 08/09/2015
Người truyền cảm hứng
Trung tâm Nghị lực sống do Nguyễn Thị Thảo Vân (28 tuổi) - một NKT làm giám đốc điều hành. Sinh ra ở Nghệ An, từ bé, chị Vân đã bị co quắp chân tay, người bị teo nhỏ. Không chùn bước trước định mệnh nghiệt ngã, Thảo Vân không ngừng học tập. Lớp 9, Thảo Vân đoạt giải nhất cờ vua, năm lớp 10 đoạt giải nhất cờ tướng khối THPT cấp tỉnh, năm 2003 là học sinh giỏi môn Anh văn… Sau đó, Thảo Vân theo học một lớp đào tạo về tin học tại Hà Nội. Sau thời gian ngắn, chị sử dụng thành thạo vi tính với các chương trình phần mềm cơ bản như đồ họa, photoshop... và tìm cho mình một công việc với thu nhập khá cao ở một công ty Đan Mạch.
Các thành viên của Trung tâm Nghị lực sống trong một buổi hoạt động ngoại khóa. |
Năm 2006, người anh trai của Thảo Vân là Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng cùng nhóm bạn mở Trung tâm Nghị lực sống ở Hà Nội. Trung tâm được thành lập nhằm giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo miễn phí cho NKT. Năm 2012, anh trai đột ngột qua đời, Thảo Vân quay về đảm nhận công việc còn dang dở của Công Hùng. Ban đầu, khó khăn chồng chất lên đôi vai gầy vốn đã nhỏ bé, yếu đuối của Vân. Tuy nhiên, đúng như cái tên trung tâm, Thảo Vân đã thể hiện một bản lĩnh sống mãnh liệt và truyền cảm hứng đến tất cả mọi người. Niềm tin lại được thắp lên, những ước mơ lại cháy.
Với mong muốn người khuyết tật nào cũng có cơ hội tìm kiếm công việc của mình, Thảo Vân tích cực xây dựng chương trình học đáp ứng trình độ của mọi học viên và giúp họ có cơ hội được tuyển dụng. Thảo Vân cho biết: "Trước đây, do nhu cầu của các doanh nghiệp, học viên được tuyển vào trung tâm phải học từ lớp 12 trở lên. Tuy nhiên, sau một thời gian đào tạo, chúng tôi chứng minh cho doanh nghiệp thấy rằng, chỉ cần các em học hết lớp 9 đã đáp ứng được đòi hỏi của họ. Đến bây giờ, yêu cầu về tuyển sinh chỉ là các em biết đọc, biết viết". Thảo Vân luôn tâm niệm, mục đích của trung tâm là tạo cơ hội cho những em khuyết tật tưởng như không có cơ hội làm chủ bản thân. Vì vậy, trung tâm luôn mở rộng cửa để chào đón các em và trao cho các em món quà đó.
Học viên đến học tại trung tâm được miễn hoàn toàn học phí, gia đình các em sẽ hỗ trợ tiền sinh hoạt và tiền thuê phòng. Tất cả học viên khi đến trung tâm, bất kể gia đình điều kiện hay khó khăn đều được đối xử công bằng. Các em được phân chia công việc, tự quản lý về tài chính, tự nấu nướng, dọn dẹp và cùng bảo ban nhau học tập... "Ngay từ đầu khi vào trung tâm, chúng tôi đã xác định rõ ràng tâm lý với các em. Các em đến đây, các em mong muốn điều gì và nếu các em muốn như vậy, các em phải chấp nhận những quy định mà trung tâm đưa ra. Cứ như vậy, sau hàng chục khóa học, học viên của trung tâm đều đoàn kết, yêu thương nhau, trưởng thành và chủ động trong mọi công việc...".
Ban đầu, nhiều học viên mang theo những mặc cảm, định kiến không dễ thay đổi. Các em mặc định cho mình tâm lý không làm được, là người thừa và lo sợ. Tuy nhiên, đến trung tâm, các em được động viên rất nhiều, những bài học về kỹ năng sống, những câu chuyện về thành công của Giám đốc trung tâm dìu dắt các em đến với niềm tin ở tương lai của mình. Đúng như cái tên Trung tâm Nghị lực sống - tất cả thành viên đều được thắp lên nghị lực sống mãnh liệt.
Nỗ lực cho những ước mơ
Hiện nay, Trung tâm Nghị lực sống đang đào tạo hơn 30 học viên tuổi từ 17 đến 35. Các em đến từ nhiều vùng quê khác nhau: Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Trị, Thái Nguyên, Lạng Sơn... Mỗi học viên là mỗi tính cách, phương pháp giáo dục và đặc điểm văn hóa khác nhau. Là giám đốc, chị Thảo Vân đã nhìn ra sự khác nhau đó và giúp các em hòa nhập. "Có học viên được bố mẹ mang đến trung tâm nhập học, khi đến nơi, tôi phát hiện ra em ấy đã có thai. Tuy nhiên, cả bố mẹ em và chính bản thân em cũng không biết mình mang thai. Tình nguyện viên của chúng tôi đưa em đi khám và được biết trước đó em đã từng quan hệ tình dục. Chúng tôi đã nhanh chóng tìm cách giúp em vượt qua khó khăn. Nếu không có sự tinh tế, rất khó giải quyết những tình huống như vậy", Thảo Vân chia sẻ một trong những chuyện có thật tại trung tâm.
Ngoài học về tin học, ngoại ngữ, các học viên đến trung tâm được học kỹ năng sống. Thảo Vân chia sẻ: "Bản thân NKT đều ít nhiều chịu thiệt thòi trong xã hội. Sẽ là thiệt thòi hơn khi các em không được học, không được tìm hiểu những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Có được những bài học đó, các em sẽ biết mình cần phải làm gì và ứng xử như thế nào". Nghĩ là vậy, Thảo Vân xây dựng chương trình học, kêu gọi các tình nguyện viên đến chung tay, góp sức cho kế hoạch của mình. Cô giám đốc nhỏ nhắn thường có các buổi nói chuyện chuyên đề về quyền bình đẳng, cách phòng tránh thai, biểu hiện khi mang thai..., và xây dựng các tình huống để học viên nhập vai. Tất cả tình huống Thảo Vân đưa ra đều là những câu chuyện có thật trong đời sống, những thứ chị đã từng trải nghiệm, từng chứng kiến.
Chúng tôi đến trung tâm khi chị Nguyễn Thị Ngân (36 tuổi), tình nguyện viên dạy tiếng Anh và các học viên đang say sưa với giờ lên lớp. Thấy chúng tôi, Mai Thị Huế nhanh nhảu mang ghế và nước đến mời khách rồi quay lại học bài. Mai Thị Huế quê ở Thái Nguyên. Dù đã 24 tuổi nhưng chị vẫn mang thân hình của một đứa trẻ 10 tuổi. Huế đến trung tâm đã được hơn 7 tháng. Chị chia sẻ: "Khi đến trung tâm thấy mọi người ai cũng có hoàn cảnh như mình nên tôi tự tin hơn rất nhiều. Tôi được học tiếng Anh, tin học và nhiều bài học kỹ năng sống. Tôi thấy mình hiểu biết hơn và tôi đang cố gắng học thật tốt để có thể tự mình kiếm sống".
Cũng theo chị Thảo Vân, để có thể đào tạo chuyên môn một cách chuyên nghiệp và bài bản, những cống hiến của các tình nguyện viên tại trung tâm là vô cùng lớn. Suốt 2 năm qua, ngày nào đến trung tâm dạy học, chị Nguyễn Thị Ngân cũng bắt hai lần xe buýt từ khu vực Sân bay Nội Bài xuống bán đảo Linh Đàm. Trước đây, một người bạn của chị Ngân cũng từng là tình nguyện tại trung tâm và giới thiệu chị đến Nghị lực sống. Chị Ngân cho biết: "Mấy hôm nay nắng nóng, đi lại rất mệt nhưng tôi vẫn cảm thấy rất hứng thú. Chính nghị lực sống và sự ham học hỏi của những thành viên tại trung tâm đã truyền cảm hứng cho tôi. Tôi chỉ mong các bạn ấy khỏe, học hành tiến bộ để được đi làm". Chị Ngân tâm sự, học viên đến trung tâm mỗi người một trình độ, có người đã từng học nhưng có người chưa biết gì, có người nói không rõ tiếng nên phát âm rất khó. Do vậy chị luôn cố gắng tìm các phương pháp khác nhau giúp học viên học tốt hơn.
Đến nay, trong số hàng nghìn học viên được đào tạo tại trung tâm, có đến 70% tìm được việc làm tại nhiều công ty trong và ngoài nước. Các em đều làm việc chuyên nghiệp, tự tin, lạc quan và hoàn toàn chủ động trong cuộc sống. Đó là phần thưởng lớn nhất mà các tình nguyện viên nhận được sau những nỗ lực đáng ghi nhận của họ đối với các thành viên kém may mắn tại Trung tâm Nghị lực sống.