Đầu tuần, VN-Index giảm điểm

Tài chính - Ngày đăng : 12:07, 07/09/2015

(HNMO) - Cầm cự sắc xanh phiên sáng nhưng đến buổi chiều lực cung tại cổ phiếu chủ chốt gia tăng khiến VN-Index quay đầu giảm gần 2 điểm. Thanh khoản tiếp tục yếu.

Hết giờ giao dịch sáng 7/9, VN-Index tăng 1,53 điểm, tương ứng 0,27%, còn 558,34 điểm trong khi VN30-Index về 577,35 điểm, hạ 1,43 điểm (-0,25%). Đáng chú ý, trong phiên, có nhiều lúc chỉ số chung hiện sắc đỏ, có thời điểm lực cung mạnh khiến chỉ số chung giảm xuống chỉ còn 555,88 điểm.

Số cổ phiếu tăng-giảm giá lần lượt là 77 mã và 90 mã. Tại nhóm VN30, 10 mã đi lên, 15 mã đi xuống.Thị trường diễn biến theo hướng bán ra là chủ yếu. Chính vì thế, lẽ ra chỉ số chung giảm điểm nhưng nhờ sự lên giá của một số cổ phiếu chủ chốt như VIC, BVH, đặc biệt là GAS khi mã này nằm ngoài chỉ số VN30 nên VN-Index thoát được phiên đi xuống. GAS cộng 300 đồng, lên 46.200 đồng/cổ phiếu.

(ảnh minh họa,nguồn: Internet)


Ngoài GAS, nhóm cổ phiếu dầu khí hôm nay tăng-giảm đan xen: PVD và PXI giảm 200-300 đồng/cổ phiếu, PVT tăng 100 đồng/cổ phiếu, PXT tăng kịch trần 200 đồng/cổ phiếu.

Ở nhóm ngân hàng, nếu như: EIB giảm 100 đồng/cổ phiếu, STB hạ 200 đồng/cổ phiếu thì BID tăng 800 đồng/cổ phiếu, CTG cộng 200 đồng/cổ phiếu, MBB tăng 100 đồng/cổ phiếu, VCB cộng 400 đồng/cổ phiếu. Tại nhóm chứng khoán, AGR giảm 100 đồng/cổ phiếu, BSI hạ 300 đồng/cổ phiếu, SSI tăng 200 đồng/cổ phiếu, HCM giữ giá.

Toàn sàn có 42,421 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.102 tỷ đồng/cổ phiếu. Với 3 triệu cổ phiếu được sang tay, VHG có thanh khoản tốt nhất thị trường; kế đến là FLC (2 triệu cổ phiếu). Đây cũng là 2 mã duy nhất trên thị trường đạt khối lượng giao dịch từ 2 triệu cổ phiếu trở lên. Trong tổng lượng giao dịch trên, có đến gần 430 tỷ đồng là của MSN qua giao dịch thỏa thuận. Vì thế, trên thực tế, giao dịch khớp lệnh trên thị trường chưa cải thiện, thậm chí kém đi.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu BSC, thị trường sẽ tiếp tục tích lũy trong các phiên tới. Thông tin hỗ trợ thiếu vắng, tâm lý thị trường chần chừ và kỳ vọng về việc giảm bán của khối ngoại là cơ sở cho nhận định trên. Vì vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên tích lũy, mở vị thế dần đối với các cổ phiếu cơ bản hoặc cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 lạc quan.

Trên sàn Hà Nội, giao dịch không cao.Toàn sàn có gần 13 triệu cổ phiếu và 134,6 triệu cổ phiếu được sang tay. Các chỉ số tại đây tăng-giảm đan xen: HNX-Index nhích 0,04 điểm, lên 76,35 điểm; HNX30-Index còn 142,37 điểm, hạ 0,03 điểm; HNX30TRI-Index giảm 0,03 điểm, còn 166,29 điểm…

Sang phiên buổi chiều, thị trường diễn biến theo xu hướng xấu hơn với lực bán ra khá mạnh, vì thế nhiều cổ phiếu trụ cột như GAS từ tăng chuyển sang giảm 100 đồng/cổ phiếu, FPT hạ 200 đồng/cổ phiếu, HAG và SAM mất 100 đồng/cổ phiếu, PVD hạ 500 đồng/cổ phiếu, VNM giảm 1.500 đồng/cổ phiếu…Trong khi đó, số cổ phiếu giảm giá nhiều gần gấp đôi tăng giá, lần lượt là 130 mã và 68 mã.

Theo điều chỉnh danh mục quý 3/2015 của FTSE, FTSE Vietnam Index đã thêm 3 cổ phiếu là BID, PDR và TTF vào danh mục lần này, trong khi không có mã nào bị loại. Trong 3 mã này, BID tăng 800 đồng/cổ phiếu, TTP tăng 500 đồng/cổ phiếu, PDR giữ giá tham chiếu. BID và PDR đều năm trong top 10 cổ phiếu có giao dịch tốt nhất phiên.

Đóng cửa phiên, VN-Index giảm 1,88 điểm, tương đương 0,34%, còn 554,93 điểm; VN30-Index còn 574,09 điểm, hạ 4,69 điểm (-0,81%).

Giao dịch tiếp tục ở mức thấp với 75,024 triệu cổ phiếu và gần 1.700 tỷ đồng được sang tay. FLC dẫn đầu thị trường với 4,7 triệu cổ phiếu; kế đến là VHG (4,1 triệu cổ phiếu), CII (xấp xỉ 4 triệu cổ phiếu).

Trên sàn Hà Nội, với 56 mã đi lên, 85 mã đi xuống, các chỉ số tại đây đều giảm: HNX-Index giảm 0,33 điểm, còn 75,99 điểm; HNX30-Index về 141,03 điểm, hạ 1,37 điểm; HNX30TRI-Index mất 1,6 điểm, xuống 164,72 điểm…

Giao dịch chưa được cải thiện. Toàn sàn chỉ có gần 28 triệu cổ phiếu và 313,594 tỷ đồng được sang tay.

T.Hương