“Hà Nội đã thay đổi thế nào?” – những góc nhìn thú vị!

Văn hóa - Ngày đăng : 10:38, 07/09/2015

(HNMO)- Vào 18h00 ngày 9/9, tại Trung tâm Văn hoá Pháp, 24 Tràng Tiền, sẽ diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Hà Nội đã thay đổi thế nào?” với nhiều góc nhìn văn hóa, xã hội thú vị. Chương trình do Công ty CP VHTT Nhã Nam và Trung tâm Văn hoá Pháp phối hợp tổ chức nhân dịp Hà Nội sắp tròn 1005 tuổi.

Vào 18h00 ngày 9/9, tại Trung tâm Văn hoá Pháp, 24 Tràng Tiền, sẽ diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Hà Nội đã thay đổi thế nào?” với nhiều góc nhìn văn hóa, xã hội thú vị. Chương trình do Công ty CP VHTT Nhã Nam và Trung tâm Văn hoá Pháp phối hợp tổ chức nhân dịp Hà Nội sắp tròn 1005 tuổi.


Hơn một thế kỷ qua, Hà Nội đã trải qua nhiều lần thay đổi diện mạo, từ kiến trúc các toà nhà lớn và các công trình dân sự nhỏ đến việc quy hoạch chung. Có thể thấy rõ điều này phần nào thông qua các bức ảnh được chụp lại bởi những người nước ngoài đã đi qua, từng làm việc, sống hay gắn bó với thành phố này; từ kiến trúc các công trình Hà Nội thời Pháp thuộc, đến Hà Nội hình màu, hay các bức ảnh của Phó Đại sứ Anh John Ramsden từng được triển lãm tại Hàng Bài và tới đây sẽ được tập hợp trong một cuốn sách… Vậy Hà Nội đã thay đổi thế nào? Những chia sẻ, nhân dịp tái bản một số tác phẩm nổi tiếng về Hà Nội như Hà Nội chỉ Nam – Nguyễn Bá Chính, Phố phường Hà Nội xưa – Hoàng Đạo Thuý… của người trong nghề, hoặc chỉ đơn giản là người quan tâm, yêu mến thành phố này hẳn sẽ đưa ra nhiều góc nhìn không chỉ chuyên môn mà còn mang tính văn hoá, xã hội học thú vị.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả là các chuyên gia nổi tiếng trong các lĩnh vực: TS, KTS Phó Đức Tùng; nhà thơ Vi Thuỳ Linh, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức và nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn. Tiến sĩ - Kiến trúc sư Phó Đức Tùng: Phó Đức Tùng là một tiến sỹ kiến trúc ở Đức về, không dùng máy điện thoại di động, không có ôtô riêng, không biết đi xe máy, mà lại mở văn phòng kiến trúc cách xa Hà Nội 35km.


Nhà thơ Vi Thùy Linh: sinh năm 1980 tại Hà Nội, đăng đàn năm 16 tuổi và trở thành hiện tượng thơ khi 21 tuổi. Chị là tác giả phần lời của chương trình - album Nhật thực (Nhạc sĩ Ngọc Đại, ca sĩ Trần Thu Hà, phối khí Đỗ Bảo, đạo diễn Nguyễn Việt Tú). Vi Thùy Linh là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được mời thực hiện đêm thơ riêng tại Trung tâm Văn hoá Pháp 21 tháng 10 năm 2005 - Hành trình tình yêu và tại Paris mang tên "Tình tự Hà Nội" (29/10/2011). Chị cũng là nhà thơ Việt Nam đầu tiên thực hiện tour diễn Pháp - châu Âu và làm liveshow văn chương tại Nhà hát Lớn, Hà Nội (1/12/2012).

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn: Sau khi tốt nghiệp ngành Trung Anh và Hội họa, Nguyễn Thế Sơn công tác tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam trước khi tốt nghiệp Thạc sĩ Nghệ thuật, chuyên ngành Nhiếp ảnh Nghệ thuật tại Học viện Mỹ thuật Trung ương, Bắc Kinh. Từ 2012, anh giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam và tham gia nhiều triển lãm tập thể, triển lãm cá nhân. Các triển lãm mới đây của anh về Hà Nội gắn kết những ký ức trong quá khứ của thành phố với nhịp sống đang dần thay đổi của hiện tại, thu hút được rất đông sự quan tâm từ báo chí và dư luận.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: Trần Quang Đức sinh năm 1985 tại Hải Phòng, anh là tác giả cuốn sách Ngàn năm áo mũ gây xôn xao dư luận vào năm 2013. Công việc chính là nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam cổ trung đại, biên dịch các loại sách Hán Nôm sang Quốc ngữ. Hiện nghiên cứu tự do. Bên cạnh việc nghiên cứu, anh còn mở lớp Hán Nôm và là một blogger với nhiều bài viết đáng chú ý, lấy ý tưởng từ các vấn đề nóng hổi của cuộc sống, đặc biệt là xu hướng bài Hoa trong cộng đồng Việt Nam.

T.Minh