Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Còn nhiều rào cản
Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 07/09/2015
Điều này dẫn chứng bằng việc số doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực NN hiện vẫn ở mức thấp.
Doanh nghiệp thờ ơ
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, là Thủ đô nhưng Hà Nội lại có nhiều tiềm năng để phát triển NN vì có cả đất đồng, đất bãi, đất đồi gò lẫn đất rừng, phù hợp với rất nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Hà Nội được xác định là địa phương có số trang trại, gia trại lớn nhất cả nước với 1.360 trang trại, gần 1.000 HTX NN; có nguồn nhân lực được đầu tư khá bài bản, trong đó số cán bộ cấp xã có trình độ đại học chiếm khoảng 80%. Hà Nội cũng có nhiều thuận lợi do đã triển khai xong dồn điền đổi thửa, bước đầu hình thành các HTX chuyên canh - tiền đề để các địa phương ứng dụng CNC vào sản xuất. Tuy vậy, sản xuất NN vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp và hầu như vắng bóng NN ứng dụng CNC.
Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, hiện tại, thành phố mới chỉ có các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như chăn nuôi lợn, bò sữa sử dụng giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chăn nuôi theo quy trình công nghệ chuồng khép kín… Đáng lưu ý là đến nay chưa có DN nào được công nhận là DN NN ứng dụng CNC; chưa có vùng sản xuất NN ứng dụng CNC và chưa thực hiện thu hút, đào tạo nhân lực phát triển ứng dụng CNC trong sản xuất NN. Thực tế, phát triển NN ứng dụng CNC, vai trò then chốt phải là DN vì chỉ có DN mới có đủ nguồn lực để đầu tư cho giống, vốn, kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, DN lại đang rất "ngại" đầu tư vào NN.
Cần có nguồn kinh phí đầu tư đào tạo nghề cho nông dân để họ có thể sử dụng thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Ảnh: Bá Hoạt |
Tại hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của thành phố gần đây, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cho biết: Đồng đất thị xã chủ yếu là đồi gò, canh tác khó nên không hấp dẫn DN. Dù rất cố gắng nhưng 3 năm qua, thị xã chưa thu hút được DN nào vào đầu tư phát triển NN. Còn theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu, là huyện kinh tế NN chủ đạo, huyện xác định phải "trải thảm đỏ" đón DN vào đầu tư nhưng rất ít DN tham gia.
Nhiều rào cản
Trong khi đó, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Giống gia súc Hà Nội là đơn vị đi đầu của thành phố trong việc tham gia vào các mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất, đặc biệt là công tác thụ tinh nhân tạo, nâng cao chất lượng giống vật nuôi. Ông Bùi Đại Phong, Giám đốc Công ty cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các DN sản xuất NN ứng dụng CNC là chi phí để ứng dụng CNC vào sản xuất (máy móc thiết bị, đào tạo lao động, chi phí quảng bá sản phẩm) rất lớn, trong khi thời gian đưa những thành tựu tiến bộ khoa học vào sản xuất lại rất dài.
Do vậy, thành phố cần có chính sách ưu đãi đối với DN ứng dụng CNC như: Hỗ trợ sau đầu tư, hỗ trợ đào tạo lao động, hỗ trợ về đất đai… thành phố cũng nên tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh tốt, rút ngắn thời gian của các thủ tục khi DN vào tham gia ứng dụng CNC, đồng thời có chính sách hỗ trợ DN xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho nông hộ, tránh trường hợp "được mùa rớt giá".
Tháng 7 vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 03 về một số chính sách phát triển NN ứng dụng CNC Hà Nội, giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn đầu tư 11.284,7 tỷ đồng. Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu mở rộng 1.000ha rau, 500ha hoa, 1.370ha cây ăn quả, 1.000ha chè, 3 vùng chăn nuôi gia cầm, 2 vùng chăn nuôi lợn, 3 vùng chăn nuôi bò thịt, 4 vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng CNC… |
Bên cạnh việc thu hút DN đầu tư vào NN, thành phố cũng cần dành nguồn kinh phí thích đáng đầu tư cho "tam nông". "Phải đào tạo nghề cho nông dân để nông dân biết lái máy cày, máy cấy, nắm được khung thời vụ. Không làm được vậy thì NN ứng dụng CNC cũng chỉ là viển vông. Cần tập trung vào cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các xã sau dồn đổi ruộng, giao đất một thời gian nhất định để người dân yên tâm sản xuất, tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ cơ giới hóa" - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái nhấn mạnh.
Rõ ràng, trước yêu cầu mới, phát triển NN không chỉ có: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" mà còn rất cần sự đồng bộ về khoa học, kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến giúp tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch và cả thị trường tiêu thụ.