Bảo vệ có được tạm giữ giấy tờ tùy thân của công dân?

Bạn đọc - Ngày đăng : 06:49, 07/09/2015

(HNM) - Không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm nay, khi công dân đến giao dịch, làm việc tại một số sở, ngành, trụ sở làm việc của UBND các quận, huyện, thị xã, một số doanh nghiệp, tòa chung cư… trên địa bàn TP Hà Nội thì đều bị lực lượng bảo vệ tạm giữ chứng minh nhân dân (CMND) hoặc giấy tờ tùy thân khác

Là người thường xuyên đến làm việc tại trụ sở UBND các quận, huyện, thị xã… trên địa bàn TP Hà Nội, tôi thấu hiểu những băn khoăn mà nhiều công dân gặp phải. Mặc dù, trước cổng trụ sở chỉ thấy có tấm biển ghi "Đề nghị dừng xe, xuất trình giấy tờ", thế nhưng thực tế ngoài việc xuất trình giấy tờ tùy thân, công dân còn bị "mượn" cả CMND mà không được ký vào bất cứ sổ tạm giữ giấy tờ nào. Có nơi, bảo vệ đưa cho cái thẻ khách vào làm việc, có nơi không. Bản thân tôi đã không ít lần bị bảo vệ yêu cầu phải nộp CMND mới được vào làm việc, mặc dù trước đó đã có lịch làm việc với lãnh đạo các quận, huyện... Bất bình trước việc bị bảo vệ tạm giữ CMND, công dân thắc mắc thì chỉ nhận được câu trả lời từ phía bảo vệ: "Quy định của cơ quan là vậy, ai không có giấy tờ tùy thân thì không được vào…". Đem những thắc mắc này tới hỏi cán bộ văn phòng UBND một số quận, huyện thì được biết, việc tạm giữ giấy tờ tùy thân của công dân xuất phát từ mục đích bảo vệ an toàn cho tài sản của chính công dân và an ninh cơ quan, đặc biệt tránh tình trạng lợi dụng sự dễ dãi trong việc ra vào trụ sở các cơ quan công quyền.

Tìm hiểu được biết, thẩm quyền thu hồi, tạm giữ CMND chỉ thuộc về cơ quan công an nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND; những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; cơ quan công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, nơi công dân có hộ khẩu thường trú; cơ quan thi hành lệnh tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có thẩm quyền tạm giữ CMND… Như vậy, theo quy định này thì lực lượng bảo vệ không có thẩm quyền tạm giữ CMND hay các giấy tờ tùy thân khác của công dân với bất kỳ mục đích gì. Nếu việc tạm giữ CMND chỉ nhằm mục đích bảo vệ tài sản công dân, an ninh cơ quan… thì lực lượng bảo vệ chỉ cần ghi vào sổ theo dõi thông tin cá nhân từ CMND của công dân, báo tin cho phòng, ban có công dân đến làm việc, ghi vé xe cho công dân, sao phải giữ lại CMND? Nhiều người cũng đặt câu hỏi nếu các cơ quan giữ CMND mà làm thất lạc thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Để hạn chế những bức xúc không đáng có như đã nêu, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét việc bảo vệ một số cơ quan, UBND các quận, huyện tạm giữ giấy tờ tùy thân của công dân như vậy đúng hay sai. Nếu chưa phù hợp thì có biện pháp chấn chỉnh.

Nguyễn Ngọc Anh