Giảm số đội để tăng sức hút
Thể thao - Ngày đăng : 06:41, 07/09/2015
Đội bóng chuyền Vietsovpetro đã “biến mất” khỏi bản đồ bóng chuyền Việt Nam khiến nhiều người tiếc nuối |
Thực tế, từ năm 2014, khi các đội dự Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia không được sử dụng cầu thủ ngoại dẫn tới chất lượng giải đấu cũng phần nào kém hơn trước. Những đội bóng có lực lượng cầu thủ nội yếu càng không thể so đọ với những đội bóng mạnh hơn. Đó là điều khác với trước đây khi các đội bóng yếu hoàn toàn có thể hy vọng vào các cầu thủ ngoại, những người sẽ gánh nhiệm vụ dẫn dắt các cầu thủ trong nước. Nhưng, cái được từ quy định không sử dụng cầu thủ ngoại rõ ràng là đáng kể hơn so với cái mất. Nhiều cầu thủ nội sẽ được vào sân, trưởng thành nhanh hơn trong khi các đội cũng phải nghiêm túc hơn trong công tác đào tạo trẻ.
Cũng vì Giải vô địch quốc gia có 12 đội nam và 12 đội nữ trong khi trình độ giữa các đội lại quá chênh lệch nên nhiều trận đấu tại giải có chất lượng thấp, khó thu hút khán giả đến sân cổ vũ. Không kể, trong vài năm qua, những đội bóng "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" hoặc có dàn cầu thủ tốt nhờ đào tạo bài bản lại dần biến khỏi trên bản đồ bóng chuyền Việt Nam như Tập đoàn Dầu khí quốc gia, VietsoPetro, Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương, Quân khu 5 và gần đây nhất là Quân đoàn 4. Có nhiều lý do dẫn đến cuộc chia tay bóng chuyền đỉnh cao của những đội nói trên như do chủ trương tái cơ cấu đầu tư của đơn vị chủ quản (với 2 đội bóng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia), ông chủ không còn mặn mà với bóng chuyền hay do ngành chủ quản chủ trương xã hội hóa, không dùng ngân sách. Cũng như chuyện ở bóng đá Việt Nam cách đây độ chục năm, những đội bóng chuyền không đủ tiềm lực tài chính để trụ vững ở sân chơi đỉnh cao rồi cũng phải tự giải tán. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam biết chuyện từ trước song không thể can thiệp và chỉ có thể đưa ra những giải pháp lựa theo thực tế.
Sự vắng mặt của những đội bóng chất lượng nói trên đã và sẽ khiến Giải vô địch quốc gia kém sức hút, xuất hiện nhiều trận đấu có chất lượng chuyên môn kém. Một giải đấu mà có quá nhiều trận đấu thể hiện sự chênh lệch về trình độ thì đương nhiên không thể thu hút nhà tài trợ. Không kể, từ mùa bóng 2016, dự kiến Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đưa ra những quy định ngặt nghèo, chặt chẽ hơn về điều kiện tài chính với các đội dự Giải vô địch quốc gia. Lúc ấy, dự kiến sẽ có một số đội không thể dự giải vì không chứng minh được nguồn tài chính để duy trì hoạt động. Đã vậy, tại vòng loại được chia thành 2 bảng đấu, có nhiều đội vài năm không được gặp đối thủ cùng giải đấu, ý nghĩa thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ vì thế cũng bị giảm đi ít nhiều. Đấy cũng là một nghịch lý cần tháo bỏ để Giải vô địch quốc gia thực sự là nơi các đội bóng được so tài với nhau.
Chính vì vậy, ý tưởng về một Giải vô địch quốc gia với 8 đội tham dự, thi đấu vòng tròn đã được ấp ủ, sớm muộn cũng trở thành hiện thực. Với thực tế của bóng chuyền Việt Nam, giải đấu có nhiều đội chỉ thực sự ý nghĩa khi trình độ các đội đồng đều. Bởi vậy, hiện nay, chuyện giảm số đội để giải đấu "tinh" hơn, có chất lượng chuyên môn cao hơn là việc nên làm.